Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Pháo 150 ly của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quân sự VN. |
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Nguyễn Bắc - nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không Không quân, chiến đấu ở đại đội 801, tiểu đoàn 632, Trung đoàn 45 lựu pháo 105. Ông kể lại một sáng kiến ít được nhắc tới nhưng rất hiệu quả: "Đi guốc cho pháo".
Ông cho biết đặc điểm của pháo 105 là chỉ có 2 bánh. Khi bộ đội ta kéo pháo thì pháo cao xạ kéo dễ hơn, còn kéo pháo 105, anh em pháo thủ phải vác càng.
Nếu kéo mạnh về bên phải thì pháo văng về bên trái (phía vực sâu) khiến người vác càng gặp nguy hiểm. Còn kéo mạnh về bên phải thì anh em lại bị đè vào sườn núi.
Thế rồi trong bộ đội có người nêu sáng kiến tuy nhỏ, nhưng rất có giá trị. Trên càng pháo có một cái cần và có một vòng tròn lắp vào xe; phía dưới có một lưỡi cày để khi bắn lưỡi cày bám vào đất làm khẩu pháo không bị rung. Nhưng khi hành quân mà cứ để lưỡi cày thì không kéo được nên phải vác càng. Sáng kiến đưa ra là lắp 1 khúc gỗ tròn vào lưỡi cày để giảm ma sát mà lưỡi cày lại không bập vào đất; bộ đội không phải vác càng pháo nữa vì lúc này càng pháo trượt trên mặt đất, việc kéo pháo nhẹ nhàng hơn. Anh em gọi sáng kiến này bằng cái tên dân dã: Đi guốc cho pháo.
Nghiên cứu máy bay địch bằng... que tre
Ở mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tá Trần Liên là cán bộ tham mưu của Trung đoàn cao xạ 367. Để thực hiện được 2 yêu cầu an toàn và bí mật, đơn vị của ông đã có sáng kiến rất độc đáo.
Đại tá Trần Liên kể: Trung đoàn 367 là trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên xuất trận, cho nên các phần tử về máy bay địch là không có sẵn. Lúc đó chúng tôi phải nghĩ tới việc nghiên cứu các phần tử bay của máy bay địch để đánh.
Tôi xin phép đồng chí chỉ huy cho 1 chiến sỹ mang theo một chiếc máy cao xạ (đo xa) đi cùng. Tôi sử dụng phương pháp tam giác đồng dạng, nghĩa là lấy 1 que tre và một đoạn dây 50 cm kết hợp với máy đo xa nữa, rồi lên đỉnh Tà Lèng quan sát. Tôi đo và thấy được tất cả các phần tử máy bay địch rồi về chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Đêm xuất trận đầu tiên, pháo ta bắn nhưng không rơi chiếc máy bay địch nào. Tôi nghĩ có thể là phần tử cấp cho bộ phận chiến đấu sai.
Chúng tôi cùng với đồng chí chỉ huy trưởng liền xuống các khẩu đội rút kinh nghiệm thì mới rõ là người chỉ huy không nói rõ bắn vào chiếc nào; việc hô bắn lại không cùng một lúc (không tập trung nên đạn bắn tản mạn) vì thế pháo bắn nhưng không đúng mục tiêu. Ngày hôm sau sửa sai sót này, quân ta đã bắn rơi máy bay địch.
Chân sạch, nằm cao
Đại tá Lê Kim, nguyên cán bộ Tuyên huấn Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, chiến đấu ở mặt trận phía Tây đánh vào sân bay Mường Thanh kể về sáng kiến trong công tác phòng dịch bệnh trong bộ đội.
Công tác phòng chống dịch bệnh được các cấp chỉ huy quán triệt rất quyết liệt để giữ sức khỏe cho chiến sỹ. Thế nên dù "ngủ hầm, mưa dầm" nhưng ở các chiến hào không có ruồi, nhặng, gián... Tuy nhiên, do trời mưa nên chiến hào thường bị ngập nước, bàn chân bộ đội dễ bị nước ăn gây ngứa ngáy. Do đó, đơn vị đề ra quy định trước khi đi ngủ phải rửa chân, chân sạch thì mới lên giường. Giường phải đặt cao hơn mặt đất từ 20-30 cm, mỗi giường lót một mảnh vải dù chiến lợi phẩm để có chỗ nằm cao ráo, bảo đảm giấc ngủ ngon…
Những câu chuyện nhỏ này càng làm cho chúng ta cảm phục tinh thần chiến sỹ Điện Biên.
Mai Hồng