• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Sáp nhập các cơ quan: Tạo 'cú hích' để tổ chức lại bộ máy tinh gọn và hiệu quả

(Chinhphu.vn) - Chủ trương và quyết tâm tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả của Tổng Bí thư Tô Lâm là chủ đề được dư luận rất quan tâm những ngày gần đây. Với tinh thần "nói đi đôi với làm", các cơ quan phải hoàn thành phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý I/2025, người đứng đầu Đảng ta đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ cho đợt cải cách bộ máy lần này.

07/12/2024 13:03
Sáp nhập các cơ quan: Tạo 'cú hích' để tổ chức lại bộ máy tinh gọn và hiệu quả- Ảnh 1.

TS. Đinh Duy Hòa, chuyên gia hành chính công, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) nhận định, có thể thấy được tinh thần "nói đi đôi với làm" được thể hiện rất rõ qua các thông điệp, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian gần đây - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Để làm rõ hơn về công cuộc cải cách mang tính lịch sử này, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Đinh Duy Hòa, chuyên gia hành chính công, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ).

Thưa ông, không phải bây giờ mà từ cách đây hàng chục năm, chủ trương tinh gọn bộ máy đã được Đảng, Nhà nước ta đề cập đến trong nhiều nghị quyết. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đến tận bây giờ, sự kỳ vọng về một cuộc cách mạng mới lớn hơn bao giờ hết, thể hiện qua quyết tâm mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ông nhận định thế nào về điều này?

TS. Đinh Duy Hòa: Đúng là như vậy. Nếu chúng ta theo dõi những phát biểu, nhận định, đặc biệt là định hướng cải cách bộ máy của hệ thống chính trị thì thấy rất rõ lần này Trung ương, Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm thực sự quyết liệt triển khai cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Những lần trước, chúng ta chủ yếu tập trung vào bộ máy nhà nước, cụ thể là bộ máy hành chính. Lần này, từ chỉ đạo của Trung ương, của Tổng Bí thư, chúng ta sẽ làm một cách toàn diện, tức là cả hệ thống chính trị, bao gồm 3 bộ phận là Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội và Nhà nước.

Có thể thấy được tinh thần "nói đi đôi với làm" được thể hiện rất rõ qua các thông điệp, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian gần đây. Hiện các bộ, ngành, đơn vị, địa phương đã bắt đầu triển khai các phương án sắp xếp, sáp nhập. Hiện tại, chưa thể nói đầy đủ kết quả ngay được nhưng tôi hình dung kết quả của đợt cải cách này là rất lớn và mục tiêu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả chắc chắn là đạt được.

Sáp nhập các cơ quan: Tạo 'cú hích' để tổ chức lại bộ máy tinh gọn và hiệu quả- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII - Ảnh: VGP

Sáp nhập bộ máy chắc hẳn không đơn giản chỉ là nhập 2 cơ quan lại làm một, thưa ông?

TS. Đinh Duy Hòa: Chắc chắn là như vậy. Nếu chỉ nhập các cơ quan với nhau thì chỉ thuần túy là bước đầu, không đạt được cái gọi là hiệu lực, hiệu quả như Tổng Bí thư mong muốn, tức là tạo "cú hích" để tổ chức lại bộ máy.

Theo tôi, đầu tiên, những cơ quan sáp nhập lại với nhau cũng như những cơ quan không bị sáp nhập đều phải xác định lại chính xác việc mình phải làm trong thời gian tới bởi có những việc cơ quan đó làm từ trước đến nay nhưng bây giờ trong điều kiện mới không nhất thiết phải làm nữa. Cũng có những việc cơ quan đó đang làm trực tiếp nhưng việc ấy có thể để cơ quan, tổ chức trực thuộc làm, thậm chí phân cấp cho địa phương. Câu chuyện rà soát công việc mình đang làm có nên tiếp tục làm nữa hay không là việc cực kỳ khó khăn và phức tạp. Không phải cứ nhập vào là đã xong việc. Phải liệt kê những công việc mình làm ra và đánh giá, vì vậy việc này không hề đơn giản. Nếu các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị làm việc này một cách nghiêm túc và bài bản thì sẽ là cơ sở quan trọng để thiết kế lại cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức, mới có thể góp phần xóa bỏ sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc, thậm chí chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức. Rồi tiếp đến mới là đổi mới phương thức làm việc cũng như câu chuyện chất lượng của đội ngũ cán bộ trong tổ chức.

Thời gian không còn nhiều, khối lượng công việc lại lớn, vậy các bộ, ban, ngành và địa phương cần làm gì để đáp ứng yêu cầu đề ra?

TS Đinh Duy Hòa: Chúng ta thấy tinh thần khẩn trương thể hiện khá rõ trong chỉ đạo của Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị. Việc đầu tiên, bản thân từng cơ quan phải xem xét lại từ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức. Bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng lớp thì phải xem xét lại từ các bộ, xuống đến các tỉnh, trên cơ sở đó chủ động đề xuất.

Nhưng cái quan trọng, theo tôi là ở tầm chỉ đạo. Ban Chỉ đạo trung ương cần có những định hướng, chỉ đạo quyết liệt để các bộ, ngành, các tỉnh có cơ sở triển khai. Và thực tế chúng ta cũng đã thấy một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Sóc Trăng… đã bàn và có phương án cụ thể về sắp xếp theo hướng gọn lại các cơ quan, tổ chức trực thuộc.

Cần sự gương mẫu, hy sinh của người đứng đầu

Việc tinh gọn bộ máy chắc hẳn sẽ không dễ dàng vì nó động chạm tới những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Theo ông đâu là giải pháp mạnh mẽ và triệt để để có thể thực hiện cuộc cách mạng về bộ máy?

TS. Đinh Duy Hòa: Chắc chắn, công cuộc cải cách lần này sẽ "đụng chạm" tới nhiều cơ quan, tổ chức, tới nhiều con người đang làm việc trong bộ máy. Từ chỉ đạo của Trung ương, chúng ta nghĩ ngay đến giải pháp đầu tiên mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn rất mạnh, đó là sự gương mẫu, hy sinh của những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, mà trước hết là các đồng chí Ủy viên Trung ương. Người đứng đầu mà không gương mẫu thì chắc chắn không tạo ra sự lay động, sự lan tỏa. Vì vậy, giải pháp đầu tiên phải là tăng cường trách nhiệm và tinh thần dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, đặc biệt là của những người đứng đầu.

Giải pháp thứ 2, tất nhiên, đi cùng với đó là chúng ta phải làm tốt công tác tư tưởng, tạo đồng thuận. Thông qua việc giải thích, tuyên truyền, phổ biến trên báo, đài để tạo sự đồng thuận cao của cả xã hội. Mới đây, có ý kiến nêu rất đáng suy nghĩ, đó là một số người phải ra khỏi bộ máy qua đợt cải cách lần này, không chừng lại là cơ hội để họ ra ngoài thể hiện năng lực vốn bị mờ đi vì cứ bám trụ biên chế nhà nước.

Giải pháp thứ 3, đó là tính đến lợi ích của những người bị ảnh hưởng thông qua sắp xếp tổ chức. Chúng ta thấy rõ ràng nếu bình thường thì không có chuyện ai đi ai ở, kể cả các đồng chí đang giữ cương vị lãnh đạo. Chúng ta cần đặt địa vị của mình vào những người này. Trước đây, chúng ta nói câu chuyện tinh giản biên chế là nhằm vào những người không đủ năng lực, nhưng lần này khi sáp nhập các cơ quan, thì không thể khẳng định tất cả cán bộ, công chức, viên chức dôi dư là người không đủ năng lực. Vì nhập lại nên có câu chuyện dôi dư người, vì vậy phải nghiên cứu để có các biện pháp về chính sách, chế độ phù hợp cho những người này.

Tôi lấy ví dụ, có thể tìm những người còn có thể thông qua đào tạo, bồi dưỡng, vẫn còn trong độ tuổi có thể đào tạo được thì tạo cơ hội cho họ được đi đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, có thể tạo điều kiện để họ tìm công ăn việc làm, mà trước hết là ngay trong bộ máy, hoặc ra bên ngoài. Hoặc có chế độ, chính sách đối với những người trong thời gian chờ đợi, tự mình đi xin việc hoặc chờ tổ chức sắp xếp, thì trong thời gian đó cũng cần có chế độ thỏa đáng dành cho những người này.

Nước ta đã trải qua rất nhiều đợt tinh giản biên chế với nhiều chế độ, chính sách hợp lý. Và vì vậy tôi tin rằng lần này, các cơ quan có trách nhiệm sẽ ban hành được các chính sách, chế độ phù hợp.

Sáp nhập các cơ quan: Tạo 'cú hích' để tổ chức lại bộ máy tinh gọn và hiệu quả- Ảnh 3.

Việc tinh gọn bộ máy chắc hẳn không dễ dàng vì nó động chạm tới những vấn đề nhạy cảm, phức tạp - Ảnh minh họa

Việc tinh gọn bộ máy chắc chắn sẽ giúp giảm về lượng nhưng đồng thời cũng phải tăng về chất, cụ thể ở đây là thu hút người tài vào khu vực công. Tuy nhiên, nhiệm vụ này trước giờ đối với chúng ta không hề dễ dàng. Ông có giải pháp nào để thực hiện việc này?

TS. Đinh Duy Hòa: Từ năm 2008, Luật Cán bộ, công chức có đề cập đến câu chuyện là nhà nước có chế độ, chính sách để thu hút và trọng dụng người tài vào trong công vụ. Tuy nhiên, suốt từ năm 2008 đến nay, chúng ta thực sự chưa có những giải pháp đúng để làm hiệu quả được câu chuyện này.

Cụ thể, trong lúc chưa xác định được ai là người tài và gắn với nó là câu chuyện chế độ, chính sách thì chúng ta đã xoay sang có chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cụ thể là cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Những người này có chế độ ưu tiên là tuyển thẳng vào công vụ không qua thi tuyển và có chế độ đãi ngộ có thể nói là rất ưu ái.

Điều nhầm lẫn ở đây là chúng ta cứ nghĩ những người học giỏi trong trường đại học thì vào công vụ cũng giỏi. Những người này học giỏi thì họ có tố chất, có tiềm năng có thể giỏi trong công vụ chứ ngay lập tức họ chưa thể giỏi được. Giỏi qua bằng cấp không đồng nghĩa là giỏi trong công vụ. Mặt khác, chính sách này tạo ra bất bình đẳng rất lớn giữa những người được hưởng chính sách và những công chức bình thường khác.

Tham khảo kinh nghiệm của Singapore cho thấy đầu tiên là Chính phủ lựa chọn những học sinh có kết quả học tập xuất sắc trong trường THPT. Sau 4-5 năm học ở các trường đại học danh giá trên thế giới bằng ngân sách nhà nước, những người này trở về nước vào công vụ theo một nhóm riêng để được theo dõi và giúp đỡ. Có thể nói quá trình này giống như thử thách bản lĩnh và năng lực của công chức. Lương và các chế độ của nhóm công chức này giống như công chức bình thường khác. Sau 5 năm làm việc như vậy, họ sẽ được đánh giá và nếu năng lực được đánh giá là xuất sắc thì lúc đó họ được xếp vào một ngạch công chức đặc biệt với chế độ ưu đãi về lương hơn hẳn so với công chức bình thường. Đây là kinh nghiệm hay và có thể học hỏi.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Anh Thơ – Lê Sơn