Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 9/3, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh – di sản tinh thần vô giá của lực lượng CAND”.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Cách đây 75 năm, lực lượng CAND vinh dự và tự hào nhận được Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách người Công an cách mạng, trong thư của Người gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII.
Đó là: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Sáu điều trên là những chỉ dẫn hết sức thiêng liêng, quý báu, toàn diện của của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh, thái độ, năng lực, tác phong, nghiệp vụ cần phải có của người công an cách mạng Việt Nam để thực hiện xuất sắc bổn phận, trọng trách cao cả được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Trải qua các thời kỳ, dù trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, hay trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, lực lượng CAND luôn quán triệt sâu sắc, nỗ lực học tập và thực hiện thật tốt những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; cấp ủy, lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương rất chú trọng xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động, cụ thể hóa chi tiết nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy để cán bộ, chiến sĩ học tập và thực hiện.
Qua mỗi thời kỳ, việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua “CAND học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” luôn đạt được những bước phát triển mới, có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng với nhiều chủ đề, phương pháp, cách làm, nội dung thiết thực, cụ thể, phong phú, sinh động, bám sát nhiệm vụ chính trị, gắn với thực tiễn công tác, chiến đấu; đã có nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu toả sáng hình ảnh cao đẹp, phẩm chất trong sáng, mẫu mực của người chiến sĩ CAND làm theo lời Bác Hồ dạy.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND, với tinh thần tiên phong và sáng tạo, phong trào thi đua “CAND học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” đã đạt được nhiều kết quả thật sự to lớn, góp phần xây dựng lực lượng CAND không ngừng trưởng thành, lớn mạnh và lập được nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng với truyền thống “CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, hội thảo khoa học hôm nay là dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh những giá trị quý báu, ý nghĩa sâu sắc của Sáu điều Bác Hồ dạy CAND; tiếp tục thúc đẩy phong trào thi đua CAND học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy trong giai đoạn mới, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận, phân tích làm rõ hơn những giá trị lý luận và thực tiễn của Sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy CAND.
Với tham luận "Sáu điều dạy của Bác, 51 chữ vàng", nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân khẳng định, Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, từ sâu thẳm trái tim con người, là phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý, không chỉ riêng cho CAND, mà cho cả các lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, và rộng ra, là cho tất cả các tổ chức, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đông đảo. Sáu điều dạy ấy có giá trị không phải nhất thời và chỉ giới hạn trong một số đối tượng nhất định, mà là cho lâu dài, cho tất cả mọi người dân.
"Về chủ đề chính của hội thảo khoa học cấp quốc gia này, tôi xin bày tỏ sự tâm đắc của mình về sự lựa chọn khéo léo và chuẩn mực của lãnh đạo Bộ Công an khi coi Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá của lực lượng CAND", nhà báo Hà Đăng chia sẻ và cho rằng, di sản tinh thần vô giá ấy khi đi vào cuộc sống, đã tác động tích cực, không chỉ đến chính trị, tư tưởng, đạo đức, mà còn đến cả hành động, phong cách và lối sống của CAND, từ sức mạnh tinh thần đã từng bước chuyển hóa thành sức mạnh vật chất. Dù rất khiêm nhường, lực lượng CAND vẫn có thể tự hào về những bước tiến đã đạt được trong 75 năm thực hiện Sáu điều dạy của Bác Hồ với tư cách người công an cách mạng.
Đề cập tới bối cảnh chung của thời điểm ra đời Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, đồng thời tiếp cận ở góc độ giá trị văn hoá, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đánh giá, 75 năm qua, Sáu điều Bác Hồ dạy CAND vẫn vẹn nguyên giá trị đối với việc xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đã có nhiều phong trào thi đua; đã xuất hiện hàng vạn điển hình tập thể, cá nhân thể hiện ý chí tu dưỡng, rèn luyện vượt qua mọi khó khăn, thử thách nghiệt ngã do đặc thù công tác và điều kiện thiên tai; dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong công tác và chiến đấu.
Đặc biệt, trong 2 năm đại dịch COVID-19, nhân dân được chứng kiến những tấm gương cao đẹp của các cán bộ, chiến sĩ tình nguyện đi vào tâm dịch, không sợ bị lây nhiễm hiểm nguy, bình tĩnh, sáng tạo tìm cách cứu chữa hàng nghìn bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Khi bão mưa, lũ quét ập đến, lực lượng công an lại sát cánh cùng quân đội ngày đêm trèo đèo, lội suối tới nơi đào bới cứu người bị đất lấp vùi; sẻ cơm, nhường áo giúp dân thoát cảnh màn trời chiếu đất, nhanh chóng ổn định đời sống, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ngã xuống trong cuộc chiến đấu với dịch bệnh, thiên tai, những hành động hung bạo, dã man của các loại tội phạm xã hội...
GS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài-nhân lực lại phân tích Sáu điều Bác Hồ dạy CAND dưới góc độ liên hệ logic và lịch sử với một tác phẩm ở tầm kinh điển Bác viết năm 1927 là "Đường Kách mệnh". Theo đó, Bác nói rõ tư cách của "người cách mệnh" và "Đảng cách mệnh", nổi bật nhất là phải giữ chủ nghĩa cho vững và ít lòng ham muốn về vật chất. "Đó là chính trị trong đạo đức và đạo đức trong chính trị. Cả đời Bác luôn quan tâm vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống "giặc nội xâm", ra sức nâng cao đạo đức cách mạng", ông đánh giá.
GS. Hoàng Chí Bảo cho rằng, tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ, mỗi luận điểm của Người đều có hiệu ứng rộng lớn, có sức lan toả mãi mãi. Sáu điều Bác dạy công an, trước hết công an là nòng cốt, nhưng suy rộng ra là cả toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đó là sức sống, sức lan toả, hiệu ứng mãnh liệt tư tưởng Hồ Chí Minh.
"Lực lượng CAND đã thực hiện cuộc vận động có ý nghĩa: 'Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ'; gần đây, phương châm tổ chức của Bộ tăng hiệu lực, hiệu quả, rất được nhân dân tán thành 'Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở', hơn 11.000 xã, phường đâu đâu cũng có chiến sĩ công an chuyên nghiệp thực hiện nhiệm vụ phục vụ nhân dân, là bạn của dân. Đây cũng chính là thực hành Sáu điều Bác dạy CAND", GS Hoàng Chí Bảo nhận định.
Phương Liên