Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh sự cần thiết và cơ sở ban hành Nghị quyết, đồng thời khẳng định, việc xây dựng Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết, bảo đảm tính kịp thời, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể trong thi đua, khen thưởng và ghi nhận những đóng góp của đại biểu Quốc hội trong quá trình hoạt động.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp Luật Thi đua, khen thưởng và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng; phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Cán bộ, công chức.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương, 38 điều quy định về 6 nội dung cơ bản: (1) Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; (2) công tác thi đua, khen thưởng của đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (3) công tác thi đua, khen thưởng của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương và đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm sẽ tham gia thi đua thường xuyên và xét tặng danh hiệu thi đua ở cơ quan, đơn vị nơi mình công tác; (4) tặng kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối tượng đương nhiên được xét tặng (theo năm công tác) là đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công chức Văn phòng Quốc hội; (5) giao Ban Công tác đại biểu là cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công tham mưu, giúp về công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu; (6) Hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài quy định của Luật Thi đua, khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích, ghi nhận sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức với hoạt động của Quốc hội hằng năm.
Đề cập về một số nội dung xin ý kiến, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hình thức văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng.
Ban Công tác đại biểu cũng xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 2 phương án ban hành Nghị quyết:
Phương án 1: Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết quy định về Kỷ niệm chương theo Điều 71 và quy định việc thi đua, khen thưởng theo Điều 88 Luật Thi đua, khen thưởng.
Phương án 2: Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 Nghị quyết về 2 nội dung.
Về tên gọi danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đề xuất 2 phương án.
Liên quan đến các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, qua thực tiễn nhiều nhiệm kỳ, do chưa có quy định về xét tặng danh hiệu thi đua nên đại biểu Quốc hội, cán bộ công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất khó khăn trong việc giải trình hoàn thiện hồ sơ và phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan chuyên môn về thi đua, khen thưởng, hạn chế trong triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng dẫn đến thiệt thòi, thiếu công bằng trong hệ thống chính trị. Có đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Quốc hội 2-3 nhiệm kỳ mà không được khen thưởng.
Về thẩm quyền tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, việc quy định thẩm quyền cho Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng là phù hợp với quy định của pháp luật.
Để đảm bảo đồng bộ trong đánh giá, quản lý, Ban Công tác đại biểu sẽ nghiên cứu, tham mưu Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao nhiệm vụ đánh giá, quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để thực hiện theo quy định của pháp luật và đảm bảo tính đồng bộ, liên thông, Ban Công tác đại biểu xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao Ban Công tác đại biểu là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi đua, khen thưởng.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động và tích cực của Ban Công tác đại biểu trong việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các tài liệu kèm theo; nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban đã tham gia.
Về hình thức văn bản, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, hình thức văn bản nên là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung về Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng được quy định trong nghị quyết này, bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban Xã hội đề nghị phạm vi của dự thảo Nghị quyết chỉ quy định những nội dung được Luật Thi đua, khen thưởng, các luật có liên quan giao và phải bảo đảm các nguyên tắc phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng và các quy định khác của pháp luật có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Cán bộ, công chức; không làm phát sinh thủ tục hành chính để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, tránh hình thức, tránh khen thưởng tràn lan hoặc bỏ sót đối tượng khen thưởng khi triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Tuy nhiên, việc quy định danh hiệu thi đua “Cờ thi đua của Ủy ban thường vụ Quốc hội”, hình thức khen thưởng “Bằng khen của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” là vấn đề cần phải cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng về giá trị pháp lý, so sánh, tương quan với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác quy định trong Luật như “Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ”, sự hòa nhập trong hệ thống thi đua, khen thưởng Nhà nước… và không để hiểu lầm phát sinh danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng mới ngoài quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.
Về vấn đề ban hành nghị quyết hay pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị ban hành Nghị quyết sẽ phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Liên quan đến cơ quan tham mưu, đại biểu đề nghị chọn phương án 2 giao nhiệm vụ này cho Ban Công tác đại biểu.
Cơ bản nhất trí với các nội dung trong tờ trình, báo cáo thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị bổ sung đối tượng được xét trao tặng kỷ niệm chương. Theo đó, cần quy định thêm việc trao tặng cho các đại biểu Quốc hội đã nghỉ công tác theo đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, có thể trao tặng kỷ niệm chương cho các cá nhân có đóng góp cho hoạt động đối ngoại của Quốc hội.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định hoan nghênh sự chuẩn bị của Ban Công tác đại biểu cho dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau phiên họp hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân công Ban Công tác đại biểu là cơ quan soạn thảo, Ủy ban Xã hội là cơ quan chủ trì thẩm tra đối với Nghị quyết này.
Lê Sơn