Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - Ảnh: VGP/Việt Hà |
Ông Nguyễn Văn Linh: Trong vòng 3 tháng (từ tháng 5 - 8/2012) Bắc Giang đã đón nhận 3 sự kiện văn hóa, lịch sử lớn có ý nghĩa rất lớn. Đó là sự kiện “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương” vào tháng 5/2012; Sau đó, vào tháng 6/2012, những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế cũng được Thủ tướng Chính phủ chính thức quyết định trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Tháng 8/2012, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định công nhận 16 xã của huyện Hiệp Hòa là an toàn khu II của Trung ương ở tỉnh Bắc Giang thời kỳ bí mật trước Cách mạng Tháng Tám.
Những di sản được vinh danh thực sự là niềm tự hào lớn của tỉnh Bắc Giang sẽ là dịp để người dân nâng cao nhận thức trong việc gìn giữ các di sản văn hóa của quê hương. Đồng thời, đây là niềm vui lớn với những người làm văn hóa, quản lý vì từ nay chúng tôi sẽ có nhiều điều kiện hơn để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di sản.
Đặc biệt, Lễ đón bằng công nhận các di tích và vinh danh Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm sẽ là khởi đầu quan trọng để Bắc Giang tăng cường quảng bá tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Chúng tôi hi vọng trong một thời gian không xa nữa, các di sản văn hóa của tỉnh sẽ phát huy được giá trị trong thu hút khách du lịch đóng góp thêm vào sự phát triển kinh tế xã hội của Bắc Giang.
Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch gì để khai thác và phát huy giá trị của các di sản văn hóa này, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Linh: Bắc Giang có đến 2.000 di tích lịch sử, trong đó có tới 500 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, nhiều địa điểm có thể gắn với bảo tồn và du lịch, qua đó phát triển kinh tế.
Theo đánh giá, Bắc Giang có tiềm năng phát triển du lịch nhưng chưa được khai thác và đánh thức. Doanh thu từ du lịch của tỉnh mỗi năm mới chỉ đạt gần 100 tỷ đồng.
Tôi cho rằng, phát triển du lịch đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú cũng như đầu tư cho các sản phẩm du lịch nên Bắc Giang cần làm tốt quy hoạch, kêu gọi các nhà đầu tư cùng góp sức cũng như tổ chức tốt việc liên kết vùng trong phát triển du lịch. Muốn phát huy các di sản này là phải gắn kết giữa các điểm di tích của tỉnh với nhau và gắn kết du lịch giữa các vùng.
Sắp tới đây, chúng tôi sẽ phê duyệt quy hoạch khu du lịch Tây Yên Tử để kêu gọi các nhà đầu tư du lịch đến với Bắc Giang. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng Thiền viện Phượng Hoàng tại xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng; thực hiện dự án đầu tư tuyến đường từ Bắc Giang tới Tây Yên Tử dài khoảng 91km với tổng mức đầu tư là 2.700 tỷ đồng. Con đường này nối giữa thành phố Bắc Giang qua khu vực chùa Vĩnh Nghiêm, khu vực Am Vãi của Lục Ngạn, qua khu vực suối Mỡ của Lục Nam và đến khu vực chùa Đồng của Tây Yên Tử. Khi tuyến đường này làm xong thì sẽ mở ra hướng gắn kết các di tích lịch sử văn hóa tâm linh, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân và khách du lịch đến thăm các di tích này.
Ngày 7/10 tới, chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội thảo với 3 tỉnh Hà Nội, Lạng Sơn và Bắc Giang bàn về việc phối hợp mở tuyến du lịch từ Hà Nội lên Bắc Giang và lên Lạng Sơn. Ngoài tuyến du lịch này, tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu về việc liên kết mở tuyến Bắc Giang, Quảng Ninh và Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Đó là những tuyến rất thuận lợi cho việc các di sản Bắc Giang được phát huy.
![]() |
Đoàn đại diện UNESCO trong một lần đến xem Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm |
Ông Nguyễn Văn Linh: Khó khăn nhất của chúng tôi hiện nay là bảo tồn các di tích, di sản trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn. Chúng tôi cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách của tỉnh thì rất khó. Do vậy, cùng với tăng cường thu hút đầu tư và tiến hành việc kêu gọi nguồn vốn từ xã hội hóa, chúng tôi cũng cố gắng tranh thủ các chương trình thực hiện bằng ngân sách nhà nước dành cho việc tôn tạo và bảo tồn các di tích.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý cho Bắc Giang triển khai một đề tài nghiên cứu bảo quản cũng như phát huy giá trị của các di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.
Trong thời gian tới, khi đề tài khoa học được triển khai thực hiện, tỉnh Bắc Giang sẽ kết hợp kinh phí từ ngân sách nhà nước với kinh phí kêu gọi từ nguồn xã hội hóa để ưu tiên bảo tồn kho Mộc bản quý giá này. Chúng tôi dự kiến sẽ tiến hành việc dịch Mộc bản này ra tiếng Việt và tiếng Anh để cho mọi người hiểu được tính nhân văn của Mộc bản và những nội dung của Mộc bản, những giá trị của Mộc bản trong đời sống hôm nay.
Lễ đón nhận các sự kiện văn hóa sẽ có điểm nhấn là chương trình khai mạc có sự tham dự của khoảng 1.000 khách mời tại Thành phố Bắc Giang vào tối 6/10 với chương trình nghệ thuật “Bắc Giang – Ký ức tỏa sáng”; |
Việt Hà