Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP
Chiều 28/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, ngành và sơ kết 1 tháng vận hành chính quyền địa phương hai cấp.
Các ý kiến đều nhận định sau gần 1 tháng triển khai thực hiện, trong bối cảnh khối lượng công việc lớn, thời gian gấp, đối tượng tác động rộng, việc vận hành chính quyền hai cấp bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, ngay sau khi có chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc vận hành mô hình mới.
Đặc biệt, từ ngày 01/6/2025 đến ngày 27/7/2025, Chính phủ đã ban hành 98 nghị định, nghị quyết quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương 2 cấp (có 30 nghị định về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực).
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định, Công điện, Chỉ thị để chỉ đạo triển khai và tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Các bộ, ngành cũng ban hành 65 thông tư để cụ thể hóa các quy định này.
Đồng thời, để kịp thời nắm bắt và giải quyết khó khăn, vướng mắc khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã thiết lập đường dây nóng và kênh tiếp nhận phản ánh. Lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức các đoàn công tác, kiểm tra, hướng dẫn, tại một số địa phương.
Tại các địa phương, Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố đều thành lập các Tổ công tác, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra việc vận hành hoạt động của Đảng bộ, HĐND, UBND cấp xã.
Các địa phương duy trì chế độ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá thường xuyên, liên tục; kịp thời phối hợp để hỗ trợ, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Về kiện toàn tổ chức bộ máy, các địa phương đã hoàn thành sắp xếp, kiện toàn HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp xã và cơ bản hoàn thành thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp xã.
Cả nước đã thành lập 465 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (gồm 12 cơ quan chuyên môn thống nhất ở 34 tỉnh, thành phố và 56 cơ quan đặc thù ở một số địa phương). Trên 9.900 phòng chuyên môn cấp xã đã được thành lập tại trên 3.320 xã, phường, đặc khu.
Về tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, các địa phương chú trọng bố trí trụ sở Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp xã; thiết lập và kết nối hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương và giữa các địa phương trước sắp xếp với nhau, bước đầu đã tiếp nhận và giải quyết đầy đủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Các Trung tâm phục vụ hành chính công hoạt động hiệu quả, nhiều nơi đã ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành phần mềm giải quyết thủ tục hành chính và kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, bố trí công chức, viên chức có kinh nghiệm công nghệ thông tin tại Trung tâm. Lượng hồ sơ trực tuyến tăng đáng kể.
Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sắp xếp được các địa phương quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết kịp thời theo quy định.
Tính đến 25/7/2025, tổng số người đã có quyết định nghỉ việc là trên 85.580 người. Tổng số người đã nghỉ việc (nghỉ hưu và thôi việc) là gần 78.400 người. Tổng số người đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí và đã được phê duyệt là trên 75.000 người (trong đó gần 41.800 người đã nhận tiền hỗ trợ).
Đối với người hoạt động không chuyên trách, các địa phương đang lập danh sách để giải quyết chế độ, chính sách hoặc bố trí công việc phù hợp nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác và cơ quan, đơn vị có nhu cầu.
Về sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công, các địa phương đã tích cực triển khai các quy định của pháp luật, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các hướng dẫn của Bộ Tài chính, bộ quản lý ngành, lĩnh vực để thực hiện việc sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì đến ngày 24/7, tổng số lượng cơ sở nhà, đất dôi dư cần tiếp tục xử lý của các địa phương là trên 9.000 cơ sở (tính cả cấp tỉnh và cấp xã).
Công tác lưu trữ, số hóa hồ sơ, số hóa tài liệu, việc bàn giao tài liệu và cơ sở dữ liệu sau sắp xếp được thực hiện đúng quy định, đảm bảo chặt chẽ và an toàn.
Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cả nước được giữ vững, không phát sinh các vấn đề lớn, phức tạp. Chính quyền địa phương các cấp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và đội ngũ cán bộ, công chức nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Người dân và doanh nghiệp cơ bản đánh giá cao kết quả vận hành, tin tưởng vào chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thẳng thắn nêu rõ, một trong những vướng mắc lớn hiện nay chính là về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền địa phương 2 cấp.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đang chủ yếu là công chức cấp xã cũ (chiếm khoảng 70%), còn lại 30% được luân chuyển từ cấp tỉnh, huyện (cũ). Điều này dẫn đến sự thiếu đồng bộ về trình độ, kỹ năng và gây khó khăn trong bố trí nhân sự phù hợp.
“Tới đây, sẽ có một văn bản để chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp, đánh giá việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từ đó phân loại và sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức theo tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng phương án xử lý giải quyết, đồng thời mở cơ hội tuyển dụng, bổ sung mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để giải quyết căn cơ, Bộ Nội vụ sẽ sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về xác định vị trí việc làm, làm cơ sở cho việc vừa sắp xếp, vừa sàng lọc, vừa cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp xã. Đồng thời, sẽ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Bộ trưởng cũng đề nghị trong thời gian tới, các bộ ngành tiếp tục chủ động rà soát, điều chỉnh các văn bản pháp luật chuyên ngành đang có nội dung chồng chéo, chưa phù hợp hoặc thiếu quy định cụ thể, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, tài chính - ngân sách, dân cư, hộ tịch, giáo dục và y tế, bảo đảm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa cấp tỉnh và cấp xã, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Ưu tiên xử lý vướng mắc liên quan đến tổ chức bộ máy, điều hành cán bộ, phân cấp nhiệm vụ, phân bổ ngân sách, sử dụng cơ sở vật chất, kết nối hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu dân cư và hộ tịch; đẩy mạnh chuyển đổi số, chính quyền số, xã hội số, công dân số bảo đảm yêu cầu vận hành cho chính quyền địa phương 2 cấp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề, định kỳ tự kiểm tra nội bộ để phát hiện bất cập và đề xuất điều chỉnh...
Thu Giang