Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh: VGP/Thu Cúc |
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 30/9/2016 có 15.579 DN FDI tham gia BHXH, BHYT, BHTN, tăng 776 DN so với năm 2015 và chiếm 7,6% tổng số DN tham gia. Tổng số lao động tham gia trong khu vực FDI là hơn 3,6 triệu người. Tổng số thu trong khối FDI là hơn 51 tỷ đồng, chiếm 49,4% tổng số thu của khối DN.
Báo cáo khảo sát ý kiến DN FDI tại Việt Nam của VCCI về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho thấy, cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía DN.
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ DN thấy thuận lợi hơn trước những cải cách của BHXH, BHYT, BHYT đạt lần lượt là 65%, 55,8% và 51,3%, cho thấy DN đánh giá cao nỗ lực của cơ quan BHXH nhằm tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm chi phí và thời gian cho DN.
Tỷ lệ DN cho rằng họ chưa nhận thấy thay đổi từ những cải cách thủ tục hành chính chiếm 28,8% đối với BHXH, 35,1% đối với BHYT và 43,8% đối với BHTN. Ngoài ra vẫn còn tỷ lệ đáng kể DN cho rằng họ gặp khó với thủ tục hành chính của BHXH.
Nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn thiếu các văn bản quy định chi tiết, hoặc hướng dẫn thực hiện các quy định của luật, chính sách hoặc văn bản ban hành muộn.
Cụ thể, các ý kiến tập trung nhiều nhất ở thực hiện các quy định và chế độ BHXH bắt buộc trong Luật BHXH như: Quy định về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với lao động là người nước ngoài, lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động 1-3 tháng; quy định về người lao động tự bảo quản số BHXH, quy định về căn cứ đóng BHXH, bao gồm tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác…
Bên cạnh đó, DN cũng còn gặp khó khăn khi tiếp cận với những hướng dẫn của cơ quan BHXH, chưa cập nhật và thông tin kịp thời những thay đổi về thủ tục hồ sơ, biểu mẫu. Một DN nêu ví dụ về phần mềm kê khai thay đổi giao diện, nhưng không được thông tin trước, form mẫu biểu thay đổi nhưng DN không được thông báo kịp thời…
Đáng lưu ý là tỷ lệ DN đang “chờ” cơ quan BHXH giải quyết các vướng mắc khá lớn, chiếm 42,7%. Một số DN cho rằng hướng dẫn, giải thích của cán bộ BHXH chưa rõ ràng, cụ thể, chưa thuyết phục được DN.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN FDI trong việc thực hiện chính sách chế độ BHXH, BHYT, BHTN, theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, BHXH đã đưa ra các giải pháp cơ bản khắc phục những khó khăn vướng mắc như: Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Triển khai hệ thống tư vấn, giải đáp chế độ chính sách; triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; ban hành quy trình nghiệp vụ về giao dịch điện tử của tất cả các lĩnh vực thu, sổ thẻ, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; tích cực vận động, có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các DN lựa chọn phương thức giao dịch điện tử và dịch vụ bưu điện công ích khi giao dịch với cơ quan BHXH.
Các DN FDI cũng đề nghị cơ quan BHXH tăng cường các chương trình đào tạo, tập huấn về thủ tục hành chính thực hiện BHXH, BHYT, BHTN; đẩy nhanh thời gian xử lý và trả kết quả, bố trí thêm cán bộ tại bộ phận một cửa, tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên, nâng cao kỹ năng mềm; gặp trực tiếp cơ quan BHXH để được hướng dẫn trực tiếp về giao dịch điện tử, hồ sơ, biểu mẫu, thủ tục…
Thu Cúc