Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng 27/11, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) với 37 chương, 510 điều, đồng thời thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật này trong thời gian tới.
Đáng chú ý, tại Khoản 6 Điều 183 Bộ luật quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.”
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng để thực hiện quy định này, cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về trình tự, thủ tục bảo quản, sử dụng, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình việc hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, do phải có thời gian để đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ, cần có lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình.
Vì vậy, Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) thông qua sáng nay đã giao cho Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục việc thực hiện, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình việc hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Nội vụ xây dựng đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can theo quy định của Bộ Luật này.
Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày 1/1/2017. Chậm nhất đến ngày 1/1/2019, thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
Không giao cơ quan thuế tiến hành điều tra
Việc đề nghị cơ quan thuế được tiến hành một số hoạt động điều tra hay không được quyền điều tra là nội dung thảo luận quan trọng về dự án Bộ Luật này.
Trước các ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về quy định này. Kết quả cho thấy, có 42,51% ý kiến đại biểu Quốc hội không tán thành bổ sung cơ quan thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Ở hướng ngược lại, chỉ có 42,30% ý kiến đề nghị bổ sung cơ quan thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, sau khi cân nhắc các mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, do địa bàn hoạt động của cơ quan thuế gần các cơ quan điều tra chuyên trách nên có thể chuyển ngay tài liệu, hồ sơ cho cơ quan điều tra khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu phạm tội. Do đó, không cần thiết phải giao cho cơ quan thuế tiến hành một số hoạt động điều tra, bảo đảm thực hiện chủ trương thu gọn đầu mối cơ quan điều tra. Vì vậy, Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đã không bổ sung cơ quan thuế là cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.
Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Thành Chung