Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thời gian qua, AI đã có bước phát triển nhanh và đột phá ở trên thế giới và Việt Nam, tuy nhiên, việc quản lý AI, phát triển các sản phẩm AI có đạo đức, có trách nhiệm là vấn đề đang được các quốc gia, các tổ chức quốc tế quan tâm.
Năm 2021, các quốc gia thành viên UNESCO đã thông qua Khuyến nghị về Đạo đức AI. Ngày 30/10/2023, Tổng thống Mỹ Biden đã ký sắc lệnh hành pháp toàn diện đầu tiên về AI, nhằm tăng cường sự an toàn trước những rủi ro liên quan đến AI.
Ngày 13/3 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua luật quản lý AI. Tiếp đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/3 đã thông qua nghị quyết đầu tiên của Liên Hợp Quốc về AI nhằm thúc đẩy các hệ thống AI "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy", mang lại lợi ích phát triển bền vững cho tất cả mọi người.
Trong báo cáo gửi Chính phủ về tình hình triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam trong 3 năm (2021-2023), Bộ KH&CN đánh giá, việc quản lý AI, phát triển các sản phẩm AI có đạo đức, có trách nhiệm là vấn đề rất lớn, liên quan đến nhiều khía cạnh trong thực tiễn và pháp luật chuyên ngành, tuy đã được các bộ, ngành bước đầu quan tâm, nhưng cần tăng cường nghiên cứu, rà soát để đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đưa AI góp phần đóng góp phát triển kinh tế-xã hội nhưng vẫn kiểm soát, hạn chế tối đa các rủi ro do AI có thể gây ra.
Mới đây, khi trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cũng nhấn mạnh, với AI, chúng ta cần phải đương đầu và tiếp cận. Nếu không nhập cuộc, Việt Nam sẽ bị đứng ngoài cuộc chơi về AI.
Tuy nhiên muốn nhập cuộc cần phải bảo đảm hai yếu tố. Một mặt, xây dựng hành lang thông thoáng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI vào đời sống kinh tế-xã hội.
Mặc khác, nghiên cứu kinh nghiệm, khuyến nghị từ các quốc gia trên thế giới, triển khai bảo đảm phát triển AI một cách có trách nhiệm, đạo đức phù hợp với thực tiễn, văn hóa Việt Nam cũng như quy định hiện hành.
Còn theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, đạo đức và trách nhiệm trong AI nằm ở tất cả các khâu, từ xây dựng thuật toán, thu thập dữ liệu, đến công cụ huấn luyện và ứng dụng. Một số nguyên tắc quan trọng về đạo đức AI như bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân, tôn trọng quyền tác giả, bản quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất lao động nhưng cần bảo vệ môi trường, an sinh xã hội...
Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về AI
Vì vậy, trong phương hướng tới đây, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang thông thoáng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào cuộc sống.
Đặc biệt, Bộ sẽ chủ động nghiên cứu kinh nghiệm các nước, khuyến nghị của các tổ chức như UNESCO, UN, ASEAN, G7, G20... để xây dựng các khuyến nghị, công cụ, quy định về đạo đức trong AI, phát triển các sản phẩm AI (từ nghiên cứu, thiết kế, phát triển, triển khai sản phẩm AI) có trách nhiệm phù hợp với thực tiễn và quy định hiện hành của Việt Nam.
Cụ thể, trong năm 2024-2025, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với UNESCO để thử nghiệm Phương pháp đánh giá mức độ sẵn sàng - RAM (Readiness Assessment Methology), là một công cụ thực hành Khuyến nghị đạo đức AI của UNESCO.
Đồng thời, sẽ tiếp tục hợp tác với Australia trong nghiên cứu, đề xuất các nguyên tắc phát triển AI có trách nhiệm. Thông qua học hỏi kinh nghiệm quốc tế, Bộ KH&CN sẽ xây dựng, ban hành khuyến nghị về nghiên cứu và phát triển AI có đạo đức, an toàn, trách nhiệm ở Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng tăng cường nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để phục vụ phát triển AI tại Việt Nam; chủ động xác định các vấn đề khoa học, thực tiễn liên quan đến AI cần giải quyết và ưu tiên nguồn lực từ các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về AI…
Theo kết quả đánh giá và công bố trong báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ" do Oxford Insight thực hiện, năm 2023, Việt Nam vươn lên đứng thứ 5 trong ASEAN, vượt qua Philippines (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia).
Năm 2023, Việt Nam có điểm trung bình đạt 54,48 điểm (năm 2022 là 53,96 và 2021 là 51,82 điểm) vượt ngưỡng trung bình thế giới, đứng thứ 59 trong số hơn 193 quốc gia và vùng lãnh thổ (năm 2022 đứng thứ 55 trong tổng số 181 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Hoàng Giang