Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến 31/12/2015, tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh đã lên tới trên 459.000 tỷ đồng (xấp xỉ 21 tỷ USD), bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC, tiền thân là Vinashin), chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công.
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, Nghị định số 04/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/1/2017 sẽ thay thế Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16/2/2011 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ và có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2017. Nghị định này được ban hành với mục tiêu cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nợ công, cụ thể là khắc phục một số hạn chế trong công tác cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ giai đoạn trước.
Quy định mới cũng đáp ứng yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ và tăng cường công cụ giám sát, quản lý rủi ro trong bảo lãnh Chính phủ, đưa công tác quản lý bảo lãnh Chính phủ tiến dần hơn tới các thông lệ quốc tế, Nghị định số 04/2017/NĐ-CP đã có các điều chỉnh về mức bảo lãnh Chính phủ, cách xác định phí bảo lãnh; đăng ký kế hoạch cấp bảo lãnh; quy trình, thủ tục, thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ cũng như bổ sung các quy định liên quan đến việc quản lý vốn vay được Chính phủ bảo lãnh, tài sản thế chấp và quản lý rủi ro.
Theo đó, mức bảo lãnh Chính phủ theo quy định mới đã giảm từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không vượt quá 70%, tùy theo cấp độ quan trọng của chương trình, dự án. Cụ thể, mức bảo lãnh được áp dụng tối đa là 70% đối với các dự án cấp bách được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; 60% đối với các dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; và 50% đối với các dự án khác.
Đáng chú ý, giá trị tài sản thế chấp được quy định rõ với mức tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Các mức phí bảo lãnh đã được điều chỉnh lại mới mức phí tối thiểu tăng từ 1,5%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh lên 2%/năm; đồng thời bổ sung thêm hệ số năng lực tài chính của doanh nghiệp vào yếu tố tính phí bảo lãnh.
Quy trình, thủ tục thẩm định cấp bảo lãnh, thế chấp tài sản và quản lý rủi ro, trách nhiệm của các bên liên quan trong toàn bộ quy trình cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ cũng đã được quy định cụ thể, thể hiện đầy đủ và làm rõ quy trình thực tế triển khai mà không làm tăng thêm thủ tục hành chính. Quy trình mới về ngân hàng phục vụ và tài khoản dự án được bổ sung để tăng cường công tác quản lý bảo lãnh, kiểm soát khả năng trả nợ của chủ đầu tư và giảm bớt rủi ro tài chính cho Chính phủ với tư cách là người bảo lãnh.
Hơn nữa, đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc cấp bão lãnh Chính phủ trước đây chủ yếu là dựa trên giải trình các chủ dự án mà không có trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, như Bộ Xây dựng với ngành xi măng, Bộ Công Thương với ngành điện… Trong Nghị định 04 mới ban hành đã quy định rất rõ vai trò của các đơn vị tham gia vào quá trình cấp bảo lãnh, quản lý bảo lãnh. Các bộ, ngành chủ quản sẽ bị quy trách nhiệm giải trình khi có vấn đề xảy ra.
Nghị định cũng có quy định cụ thể về điều khoản chuyển tiếp để hạn chế những vướng mắc có thể phát sinh cho các đối tượng liên quan trong giai đoạn đầu có hiệu lực.
Ông Hoàng Hải cho biết, dư nợ bảo lãnh Chính phủ hiện đang ở mức 10,2% GDP, trong đó phần lớn là những khoản bảo lãnh dành cho doanh nghiệp. Kế hoạch từ nay tới cuối năm 2020 sẽ duy trì dư nợ bảo lãnh không quá 10% và thấp hơn được là tốt nhất. Nhằm tăng cường thắt chặt bảo lãnh, tăng trách nhiệm giải trình, Bộ Tài chính đang xây dựng danh mục các dự án được ưu tiên cấp bảo lãnh để báo cáo Chính phủ trình ra Quốc hội.
Anh Minh