• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Số ca COVID-19 gia tăng trở lại: Hành động của một số quốc gia

(Chinhphu.vn) - Trong 1 tháng qua, số ca mắc mới COVID-19 tăng ở khu vực Đông Á - Nam Á (480%) và Đông Địa Trung Hải (tăng hơn 140%).

15/04/2023 16:32
Số ca COVID-19 gia tăng trở lại và hành động của một số quốc gia - Ảnh 1.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Ấn Độ và Đông Nam Á báo cáo hơn 80.000 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 7 trên 11 quốc gia ghi nhận ca dương tính mới tăng từ 20% trở lên. Số ca tử vong được ghi nhận là 309, tăng 109%, cao nhất tại Ấn Độ (184). 

Thông tin được đưa ra ngày 14/4.

Theo báo cáo của WHO, trong 1 tháng qua, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm ở 4 trong số 6 khu vực: châu Phi, Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Âu, trong khi tăng ở hai khu vực Đông Á - Nam Á (tăng tới 480%) và Đông Địa Trung Hải (tăng hơn 140%). 

Tại 2 khu vực này, tỷ lệ mắc bệnh tăng cao nhất được ghi nhận ở Nepal, Ấn Độ và Maldives.

WHO cũng cho biết, trong giai đoạn này, số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tăng tới 109% ở khu vực Đông Á - Nam Á.

Từ ngày 13/3 - 9/4 vừa qua, thế giới ghi nhận thêm 3 triệu người mắc mới và hơn 23 nghìn người tử vong vì COVID-19.

Không được chủ quan với COVID-19

Các chuyên gia cho rằng, làn sóng COVID-19 mới xảy ra do những biến chủng phụ XBB, một phiên bản của Omicron có khả năng lây truyền cao, nhưng không gây triệu chứng nghiêm trọng.

Hầu hết dân số trong khu vực đã được tiêm phòng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên trước đó. Chính phủ các nước cũng nhận định những đợt bùng phát COVID-19 lẻ tẻ có thể xảy ra sau khi thế giới quyết định sống chung với căn bệnh này.

Theo các nhà khoa học, số ca COVID-19 tại Ấn Độ tăng là dấu hiệu cho thấy virus đang chuyển dần sang trạng thái đặc hữu như cúm mùa. Các ca nhiễm tại nước này hiện nay có triệu chứng nhẹ, được điều trị ngoại trú. 

Bệnh nhân nhập viện đều là người già hoặc có bệnh nền. Các dấu hiệu tập trung ở đường hô hấp trên như đau họng, chảy nước mũi, sốt và đau nhức cơ thể.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết đất nước có mức độ miễn dịch cao, nghĩa là tình hình "vẫn được kiểm soát tốt", song ông kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 4.

Bộ Y tế Indonesia đã tiếp nhận tài trợ thuốc Paxlovid kháng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 từ Mỹ và Australia với tổng số thuốc được viện trợ là 24.096 viên nén. 

Số thuốc này sẽ được phân phối đến các trung tâm dược phẩm và các bệnh viện, dịch vụ y tế. Paxlovid được Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) cấp phép sử dụng. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng, Paxlovid có hiệu quả đối với các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ nhưng nguy cơ cao phát triển thành các triệu chứng nghiêm trọng. Paxlovid được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em.

Chính phủ Ấn Độ trong tuần này cũng yêu cầu các đơn vị y tế diễn tập ứng phó dịch bệnh. Một loạt bang ban hành trở lại quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng.

Một số chuyên gia truyền nhiễm kêu gọi các nước không chủ quan, cần thận trọng theo dõi tình hình và giám sát chặt chẽ sự biến đổi của virus thông qua giải trình tự gene.

Nhà virus học Lawrence Young tại Đại học Warwick, Anh, nói khi biến chủng mới phát sinh, các quốc gia cần tìm hiểu xem nó có khả năng lây nhiễm, gây bệnh, tử vong cao hơn không, cũng như điều gì sẽ xảy ra về mặt miễn dịch.

Hiện, WHO vẫn đánh giá COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, tiếp tục theo dõi sự biến đổi và xuất hiện của các chủng virus mới.

Singapore đối mặt nguy cơ tái bùng phát COVID-19 trên diện rộng

Bộ trưởng Y tế Singapore, ông Ong Ye Kung ngày 14/4 cảnh báo "Đảo quốc Sư tử" đang bước vào đợt lây nhiễm COVID-19 mới với số ca mắc hằng ngày ước tính tăng từ khoảng 1.400 ca trong tháng 3, lên 4.000 ca chỉ trong tuần trước. Khoảng 30% số ca mắc COVID-19 hiện nay là tái nhiễm, cao hơn mức từ 20-25% của đợt dịch gần nhất.

Trong khi số ca bệnh đang tăng lên, chưa có bằng chứng cho thấy các chủng hiện tại gây ra những diễn tiến bệnh lý nghiêm trọng hơn. 

Số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện điều trị tăng từ 80 lên 220 người trong tháng 3 vừa qua, thấp hơn nhiều so với giai đoạn diễn ra đại dịch. Số ca mắc COVID-19 phải điều trị tích cực (ICU) duy trì ở mức thấp, dưới 10 bệnh nhân trong tháng 3.

Bộ trưởng Ong Ye Kung chỉ ra rằng mặc dù đợt dịch hiện tại không quá nghiêm trọng, nhưng số ca mắc mới gần đây làm tăng thêm khối lượng công việc của các bệnh viện. 

Ông kêu gọi mọi người nhắc nhở gia đình, bạn bè cũng như người bệnh ở nhà và đeo khẩu trang nếu cảm thấy không khỏe, đồng thời tiêm chủng hằng năm, nếu họ có hệ miễn dịch yếu hoặc trên 60 tuổi.

Nhật rút ngắn thời gian cách ly với người mắc COVID-19

Ngoài Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại trong thời gian gần đây. 

Ngày 12/4, Hàn Quốc ghi nhận trên 12.000 ca mắc mới và Nhật Bản có gần 10.000 ca. 

Các cơ quan y tế Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình lây nhiễm vì các hoạt động giải trí ngoài trời gia tăng sau khi chính phủ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng, chống COVID-19, bao gồm cả quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. 

Tuy nhiên, quy định đeo khẩu trang vẫn được áp dụng cho các cơ sở y tế, hiệu thuốc và những nơi dễ lây nhiễm khác.

Chính phủ Nhật ngày 14/4 thông báo, thời gian cách ly đối với các trường hợp mắc COVID-19 sẽ được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, bắt đầu từ 8/5 như một phần của quá trình tái mở cửa đất nước sau đại dịch. Số ca mắc mới cũng chỉ được công bố 1 lần một tuần.

Theo quy định mới, học sinh sẽ phải tự cách ly trong 5 ngày.

Tờ Asia Nikkei đưa tin, thời gian cách ly ngắn hơn sẽ có hiệu lực từ 8/5 khi COVID-19 bị hạ cấp trong thang bệnh lây nhiễm quốc gia của Nhật, từ mức 5 xuống mức 2, nghĩa là tương đương với cúm mùa.

Người mắc COVID-19 được yêu cầu đeo khẩu trang trong 10 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng vì họ vẫn có khả năng lây nhiễm trong thời gian đó.

Sau 5 ngày, nếu tình trạng không cải thiện, bệnh nhân sẽ được yêu cầu tiếp tục tự cách ly cho đến khi các triệu chứng biến mất, ít nhất là 24h nữa.

Nguyễn Đức (tổng hợp)