Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sốt xuất huyết tại Đà Nẵng tăng cao
Tại Đà Nẵng, tính đến đầu tháng 7, các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang có số ca mắc sốt xuất huyết/100.000 dân cao hơn trung bình 5 năm. Trong đó quận Liên Chiểu có tỉ lệ mắc sốt xuất huyết/100.000 dân năm 2022 cao nhất Thành phố và cao gấp 3,56 lần so với trung bình 5 năm.
Số ca mắc sốt xuất huyết tại Đà Nẵng đang gia tăng từ tháng 4 và đã vượt ngưỡng đường cong chuẩn 5 năm (2016-2020), hiện đang đạt số lượng ca cao nhất trong tháng 6 với 1.380 ca (tính từ ngày 1/1 đến 3/7).
Thời gian qua, ngành y tế Đà Nẵng đã triển khai 4 đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm khác tại 3 địa phương có số ca mắc cao; phân công cán bộ đứng điểm để theo dõi, đánh giá tình hình và phối hợp chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các địa phương.
Thành phố cũng đã triển khai các đợt điều tra chủ động véc-tơ tại các điểm nóng sốt xuất huyết, tại các điểm có nguy cơ bùng phát dịch, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, như tổ chức các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành trên diện rộng.
Người dân đi khám sốt xuất huyết gia tăng - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Tại Quảng Bình, tính đến ngày 4/7 toàn tỉnh ghi nhận gần 350 ca sốt xuất huyết, trong đó huyện Lệ Thuỷ với 90 ca mắc và huyện Bố Trạch 100 ca mắc.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cử các đoàn công tác phối hợp với trung tâm y tế huyện, xã triển khai các biện pháp phòng, chống như: Phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch nhỏ nhằm sớm kiểm soát và dập dịch, hướng dẫn bà con cách diệt loăng quăng, bọ gậy để hạn chế dịch lây lan ra cộng đồng.
Tại Quảng Nam, tính đến đầu tháng 7 địa phương đã ghi nhận 2.231 ca mắc sốt xuất huyết tại 17/18 huyện, thị xã, thành phố, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2021 (246 ca).
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay là thời điểm thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi và bọ gậy phát triển; nguy cơ gia tăng các ca bệnh và lan rộng ra nhiều địa phương nếu không có các biện pháp chủ động phòng chống dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị các đơn vị y tế trên địa bàn triển khai vệ sinh môi trường; bổ sung kinh phí, cơ sở thuốc, hóa chất, phương tiện, nhân sự sẵn sàng phục vụ công tác chống dịch; thành lập đội xung kích diệt lăng quăng tuyến tổ, thôn… Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.
Tại Quảng Ngãi, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn về khẩn trương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình công tác phòng, chống bệnh; quyết liệt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống; tăng cường kiểm tra liên ngành, giám sát các điểm có nguy cơ về dịch bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, không để dịch lan rộng kéo dài.
Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị chuyên dụng đáp ứng kịp thời cho công tác phòng, chống bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát chặt chẽ ca bệnh tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh.
Lưu Hương