Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
Việt Nam là điểm sáng phòng chống dịch COVID-19
Phiên họp lần 2 có sự tham dự của ông Jon Lambe, Đại sứ toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại ASEAN tại điểm cầu Indonesia; đại diện OECD, đại diện các nước ASEAN; ở đầu cầu Việt Nam đặt tại trụ sở VPCP, hội nghị có sự tham dự của đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ.
Tại đầu cầu Việt Nam, thừa ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan nhấn mạnh, năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và theo đó là chủ nhà của chương trình nghị sự hội nghị lần thứ 6 của Mạng lưới Thực hành quy định tốt của ASEAN-OECD. Việt Nam vinh dự tiếp tục được đón nhận sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Vương quốc Anh và Bắc Ireland thông qua Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam và ASEAN để tổ chức phiên thứ 2 hội nghị trực tuyến tại Hà Nội.
Phiên họp lần thứ nhất của Hội nghị Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN-OECD lần thứ 6 năm 2020 tại các quốc gia OECD và ASEAN đã thành công tốt đẹp vào ngày 11/8/2020. Mặc dù lần đầu tổ chức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng hội nghị vẫn thu hút được sự tham dự, theo dõi của gần 400 đại biểu đến từ các quốc gia OECD, ASEAN và nước chủ nhà Việt Nam.
Tiếp nối thành hội nghị lần trước, ông Ngô Hải Phan mong muốn phiên họp thứ 2 sẽ mang đến những thông tin bổ ích trong việc sử dụng công cụ số để ban hành quy định ứng phó với dịch bệnh COVID-19.
Tại phiên họp, Đại sứ toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại ASEAN Jon Lambe chia sẻ với các quốc gia ASEAN vì những thách thức các quốc gia này đang gặp phải do đại dịch COVID-19. Trong đó, ông Jon Lambe nhấn mạnh Việt Nam nổi lên như một điểm sáng phòng chống dịch, đồng thời cảm ơn Việt Nam đã tổ chức các hội nghị trực tuyến với các quốc gia ASEAN, đây cũng là minh chứng cho sự thành công của Việt Nam trong ứng phó với dịch COVID-19.
Đại sứ toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ireland chia sẻ, ASEAN là khu vực có tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trên thế giới, cũng là khu vực có các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả. Vương quốc Anh hiện nay có nhiều chương trình quan trọng trong khu vực và ông Jon Lambe nhấn mạnh: "Là Đại sứ đầu tiên của Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại ASEAN, tôi bảo đảm Chính phủ Anh sẽ đồng hành cùng ASEAN để tiếp tục mối quan hệ chặt chẽ trong thời gian tới".
Ông Jon Lambe cũng nêu ý kiến số hóa là động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, vì vậy mong muốn phiên trao đổi sẽ mang đến các kinh nghiệm bổ ích để để các quốc gia ban hành các quy định ngày càng phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ các nền kinh tế phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là để phục hồi sau dịch COVID-19.
Tạo môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục không cần thiết
Phiên họp nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã buộc các chính phủ phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ số nhằm duy trì và đẩy nhanh tốc độ cung cấp các dịch vụ công. Điều đó mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng gây ra không ít khó khăn, thách thức.
Một mặt, công nghệ số có thể cải thiện quy trình hoạt động của chính phủ, bao gồm cả giảm bớt những gánh nặng quy định đang cản trở việc cung cấp các dịch vụ y tế, kinh tế và xã hội thiết yếu. Mặt khác cũng gây ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý trong việc nhanh chóng ứng dụng công nghệ vừa bảo vệ xã hội trước những hậu quả không mong muốn.
Để ứng phó với đại dịch COVID-19, Malaysia đã đưa ra các giải pháp tài khóa và phi tài khóa. Một trong những giải pháp phi tài khóa là chương trình MyMudah được ban hành vào tháng 7/2020 với mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí tuân thủ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo việc làm, thúc đẩy nền kinh tế.
Theo đó, MyMudah có cổng thông tin làm nhiệm vụ tham vấn với người dân, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp. Chính phủ xác minh thông tin đó qua ban tư vấn hoặc đối thoại trực tiếp, trực tuyến với doanh nghiệp. Đây là biện pháp để giải quyết nhanh hơn các kiến nghị, tiết kiệm cho cả 2 bên chính phủ và người dân.
Theo đại diện Malaysia, chương trình MyMudah là một trong giải pháp ứng phó mang tính chất phi tài khóa của chính phủ để ứng phó với COVID-19. Theo đó, chương trình đánh giá các gánh nặng đặt ra với doanh nghiệp do dịch bệnh để đưa ra các chính sách giúp họ. Hiện chương trình đã tiếp nhận khoảng 200 vấn đề do doanh nghiệp gửi đến. Malaysia coi chương trình MyMudah là giải pháp lâu dài, là bước khởi đầu để giảm gánh nặng, thủ tục không cần thiết với doanh nghiệp, giảm gánh nặng trong thực tế.
Chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định trong đại dịch, ông Raymond Yee, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ hải quan và cơ quan quản lý, DHL Express khu vực châu Á Thái Bình Dương cho rằng khi các biện pháp cách ly được áp dụng thì việc đáp ứng yêu cầu các đơn hàng gặp khó khăn, tốc độ lưu thông hàng hóa, thời gian xử lý chậm hơn ngay cả khi đã áp dụng việc tự động hóa các quy trình nghiệp vụ.
Trong đại dịch COVID-19, mỗi quốc gia có hoàn cảnh khác nhau, có những biện pháp ứng phó khác nhau; một số chính phủ đã đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa, công nghệ số, tăng cường phê duyệt, xử lý hồ sơ trực tuyến; tuy nhiên, ông Raymond Yee lo ngại sau COVID 19, việc ứng dụng công nghệ số sẽ có thể bị mất đà hoặc giảm đi.
Ông Raymond Yee khuyến nghị các biện pháp ứng phó chung cho các quốc gia trong khu vực ASEAN nên cân nhắc, đó là: Khu vực ASEAN có thể sử dụng cách tiếp cận có sự điều phối ở tầm khu vực để ứng phó với đại dịch và bố trí một đầu mối liên hệ/thông tin; nên nhanh chóng hình thành nên các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về các sản phẩm trang bị bảo hộ cá nhân trên phạm vi toàn khu vực ASEAN; có được một cách tiếp cận của cả khu vực ASEAN để vượt qua những thách thức về logistics trong việc cung cấp vaccine tiềm năng; thành lập một “lực lượng phản ứng nhanh” để ứng phó với đại dịch ở tầm khu vực (thay vì ở từng quốc gia)...
Tại phiên họp, chuyên gia Nguyễn Thế Trung, thành viên tổ tư vấn Chính phủ điện tử của VPCP đã chia sẻ về phản ứng nhanh về chính sách và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam trong đại dịch COVID-19. Theo đó, Chính phủ Việt Nam chủ động chấp nhận và ứng phó ngay với trường hợp mắc bệnh đầu tiên; nâng cao nhận thức xã hội trong tất cả các kênh có thể để mọi người sẵn sàng chung tay chống dịch; kích hoạt truy vết ngay sau khi trường hợp lây lan xuất hiện và dứt khoát mở cửa trở lại nền kinh tế ngay khi biết có thể kiểm soát dịch.
Để kiểm soát dịch bệnh, ông Nguyễn Thế Trung nêu 3 trụ cột: Năng lực và trách nhiệm điều hành chống dịch của Chính phủ; thứ 2 là năng lực đáp ứng của hệ thống y tế; thứ 3 là nhận thức và hành động đồng lòng chống dịch của xã hội. Các ứng dụng CNTT đã được phát triển nhanh chóng, cụ thể như các ứng dụng Bluezone (ứng dụng quản lý tiếp xúc gần); ứng dụng khai báo y tế nhập cảnh; ứng dụng cung cấp thông tin dịch bệnh, ứng dụng cung cấp thông tin của Bộ Y tế; ứng dụng kiểm tra an toàn COVID-19 hằng ngày...
COVID-19 đã đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống quản trị xã hội và Chính phủ, tuy nhiên ông Nguyễn Thế Trung nhấn mạnh: Sự chủ động của Chính phủ là chìa khóa quan trọng nhất, giúp Việt Nam đưa ra các giải pháp từ sớm; bên cạnh đó là tầm nhìn chính xác của lãnh đạo, hành động thực tiễn và nhanh chóng; sự đoàn kết, đồng lòng chống dịch của người dân. Ngoài ra có sự hỗ trợ của các ứng dụng CNTT để đưa các quyết định phù hợp.
Ông Jaya Singam Rajoo, Giám đốc cấp cao phụ trách lập kế hoạch, Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia hy vọng phiên họp đã mang lại các kinh nghiệm cho các đại biểu, góp phần chia sẻ các phương pháp, giải pháp hay để hỗ trợ tốt hơn trong việc đưa ra quyết định trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi hậu COVID-19.
Gia Huy-Hoàng Giang