Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Số liệu về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề nói riêng và các số liệu KT-XH nói chung có độ chính xác đến đâu được một số đại biểu Quốc hội nhắc tới trong mấy ngày qua, bởi đây là căn cứ để đánh giá đúng tình hình, từ đó đưa ra những giải pháp sát với thực tế.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền
|
Các đại biểu này cho biết, theo quy định của Luật Thống kê, các số liệu chính thức phải do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố. Trong chỉ tiêu giải quyết việc làm năm 2012, số liệu của Tổng cục Thống kê là 1,347 triệu việc làm mới, còn Chính phủ lại báo cáo có 1,52 triệu lao động được giải quyết việc làm.
Các đại biểu cũng băn khoăn về chỉ tiêu giảm nghèo (giảm 2,12% trong khi chỉ tiêu giảm là 2%); chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp, tạo việc làm mới đạt được trong điều kiện kinh tế quá khó khăn như hiện nay.
Theo yêu cầu của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền đã giải trình trước Quốc hội về những số liệu giải quyết việc làm và đào tạo nghề.
Bộ trưởng cho biết: "Từ Trung ương đến địa phương đều thành lập các Ban Chỉ đạo giảm nghèo. Hằng năm mỗi địa phương đều đánh giá, rà soát tỷ lệ giảm nghèo từ cơ sở trở lên. Ở mỗi tỉnh, chúng tôi yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo trước HĐND về số liệu hộ nghèo. Lên tới Trung ương tổng hợp thì tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 9,6%. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho là số liệu này trên cơ sở tiêu chí hộ nghèo vẫn giữ từ ngày 1/1/2011 (lao động nông thôn thu nhập 400.000/người/tháng và lao động thành thị là 500.000 đồng/người/tháng)”.
Trên cơ sở đánh giá này, một số tỉnh phản ánh báo cáo về giảm nghèo là đúng. Tuy nhiên, giảm nghèo chưa đồng đều, bền vững như ở vùng Đông Bắc, tỷ lệ hộ nghèo là 17,5%, ở Tây Bắc là gần 30%, Tây Nguyên 15%, Đông Nam Bộ 1,2%.
Trong năm 2012 mặc dù tình hình kinh tế-xã hội hết sức khó khăn nhưng kinh phí Nhà nước dành cho ổn định đời sống người nghèo đã không giảm mà còn tăng, như: dành 23.500 tỷ đồng cho hàng triệu hộ nghèo được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT), trợ giúp 70% bộ phận nghèo được mua BHYT, dành 11.844 tỷ đồng tín dụng cho học sinh nghèo, chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nghề cho trên 1 triệu hộ nông dân được vay 37.400 tỷ đồng...
Với việc thực hiện các chính sách giảm nghèo cũng như cách thống kê số liệu, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng hoàn toàn có cơ sở để nói tỷ lệ giảm nghèo năm 2012 đạt được là 2,12%.
Về chênh lệnh chỉ tiêu việc làm giữa ngành LĐTBXH với ngành Thống kê, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết ngành Thống kê lấy số việc làm mới của năm 2012 trừ đi số việc làm mới của năm 2011, cho ra con số 1,347 triệu việc làm mới.
Đối với ngành LĐTBXH, ngoài số liệu trên còn có số liệu lao động thay thế. Cụ thể, 1 năm có khoảng 120.000 người nghỉ hưu, tương đương với con số này sẽ có 120.000 việc làm mới và 80.000 lao động đi xuất khẩu.
“Khi tổng hợp số việc làm mới, chúng tôi cộng vào nên có số liệu khác với Tổng cục Thống kê”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền giải thích.
Về tính chính xác của tỷ lệ thất nghiệp là 2%, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết phần đông doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp nhận lao động từ nông nghiệp chuyển sang. Khi doanh nghiệp giải thể thì lao động trở về nông thôn vẫn có việc làm nhưng thu nhập thấp, bấp bênh. Tuy nhiên, chỉ một doanh nghiệp liên doanh thành lập mới (ví dụ Công ty Samsung ở Bắc Ninh) cũng thu hút được 20.000 lao động, bằng số lao động làm trong 10 doanh nghiệp trong nước.
Sự khác nhau trong số liệu dạy nghề giữa ngành Thống kê và ngành LĐTBXH là do ngành Thống kê chỉ tính lao động qua đào tạo có bằng trung cấp nghề trở lên, trong khi ngành LĐTBXH tổng hợp qua các tổ chức nghề, trong đó có cả những người có chứng chỉ nghề, những người được đào tạo ngắn hạn và những người đào tạo dưới 3 tháng.
“Hiện nay một số doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động từ 3-5 tháng. Ngành LĐTBXH tổng hợp qua các doanh nghiệp, trung tâm dạy nghề nên do tiêu chí như vậy thì có chênh lệch, nhưng chúng tôi sẽ thống nhất cách đánh giá các chỉ số cho phù hợp”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết thêm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong phần giải trình thêm về cách tính số liệu đã cho biết có nhiều nguồn số liệu để thống kê. Trong tổng số 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội thông qua thì cơ quan thống kê tính toán 6 chỉ tiêu, còn 9 chỉ tiêu do các bộ và ngành dọc cung cấp…
“Về cơ bản các số liệu chúng ta đang đánh giá và so sánh là có hệ thống, độ tin cậy có thể chấp nhận được”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Thành Chung