Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiêm vaccine là biện pháp duy nhất phòng chống bệnh sởi hiệu quả. Ảnh: VGP |
Trong ngày 22/4, cả nước đã có 42/63 tỉnh ghi nhận dưới 10 trường hợp sốt phát ban nghi sởi nhập viện, trong đó có nhiều tỉnh không ghi nhận hoặc chỉ ghi nhận 1-2 bệnh nhân nghi sởi mới nhập viện trong ngày; có 13 tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc sởi mới gồm: Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu.
Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương, số bệnh nhân sởi mới nhập viện có xu hướng chững lại và không tăng so với những ngày đầu tháng 4/2014.
Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị sởi cho 253 trường hợp, số bệnh nhân nhập viện mới trong ngày 22/4 là 9 ca; số bệnh nhân mắc sởi từ các khoa khác chuyển tới là 6 trường hợp.
Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị sởi cho 68 bệnh nhân, trong đó có 6 bệnh nhân đang phải thở máy, số bệnh nhân mắc sởi mới trong ngày 22/4 có 11 trường hợp. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân sởi mới trong ngày là 12 trường hợp, đang điều trị 53 bệnh nhân, trong đó có 2 bệnh nhân nặng.
Tính trong cả ngày 22/4/2014, cả nước ghi nhận thêm 46 trường hợp mắc sởi xác định trong số 219 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố.
Tính từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 3.527 trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.692 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong tổng số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.
Về kết quả chiến dịch tiêm vét vaccine sởi chung trên toàn quốc, đến ngày 22/4 đạt tỷ lệ 65%, tăng 2% so với ngày 21/4.
Có 25 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi đạt tỷ lệ cao trên 70% gồm: Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắc Nông, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang.
Có 11 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi thấp dưới 50% gồm: Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai, Cà Mau, Lai Châu, Hòa Bình, Lâm Đồng, An Giang, Bình Dương, Tiền Giang.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai hướng dẫn và điều trị bệnh sởi cập nhật cho 33 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Sẽ cấp đủ vaccine sởi cho Hà Nội
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Bộ sẽ cung cấp đủ vaccine cho TP. Hà Nội thực hiện tiêm chủng.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bệnh sởi tại Hà Nội nằm đan xen trong cộng đồng, trong đó quận Hai Bà Trưng là địa bàn có số bệnh nhân mắc sởi cao nhất (153 ca), Đống Đa (118 ca), Hoàng Mai (118 ca). Tuy nhiên, đến nay có khoảng 80-85% bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện.
Ông Hạnh cũng nhấn mạnh, trong số 14 trường hợp tử vong do liên quan đến sởi của Hà Nội có 13 trường hợp trẻ chưa tiêm vaccine sởi và 1 trẻ mới tiêm được 5 ngày. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm phòng sởi cho trẻ.
Tính đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 2 tuổi của Hà Nội đã đạt 95%. Các quận huyện có tỷ lệ tiêm trên 95% là Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân. Hiện, các quận, huyện khác cũng đang khẩn trương tiến hành tiêm vaccine để đảm bảo đạt tỷ lệ trên 95% trước ngày 25/4/2014.
Tại Hà Nội, các điểm tiêm miễn phí vaccine sởi đã được tổ chức tại Trung tâm Y tế dự phòng và 30 điểm tiêm cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 6 tuổi chưa tiêm vaccine phòng sởi đầy đủ tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục rà soát và mở rộng đối tượng tiêm chủng tới dưới 6 tuổi. Từ đó, Bộ Y tế sẽ cung cấp đủ vaccine cho Hà Nội thực hiện tiêm chủng.
Về công tác điều trị, Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện tuyến Trung ương, thành phố và quận huyện có phương án phân loại bệnh, cách ly triệt để và điều trị hiệu quả những trường hợp bệnh sởi vào viện, nghiên cứu kỹ và cân nhắc những trường hợp dùng Gama Globulin.
“Chỉ sử dụng thuốc này những trường hợp bệnh nhân nặng (như suy hô hấp, suy tuần hoàn…) vì Gama Globulin là miễn dịch nhân tạo, nếu đưa vào cơ thể không cẩn thận sẽ gây sốc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.