• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Số phận những dòng sông Tây Nguyên - Bài 2: Sê San dần cạn kiệt

Thủy điện Ialy khô cạn và thiếu nước phát điện

02/06/2011 14:36
Sê San là một trong các chi lưu lớn của sông Mê Kông bắt nguồn từ Bắc và Trung Tây Nguyên nước ta chảy sang lãnh thổ Campuchia và nhập vào sông Sê-rê-pốc gần Stung Treng (Campuchia). Hiện nay, trên sông Sê San đã xây dựng 6 công trình thủy điện lớn gồm: Thượng Kon Tum, Plei Krông, Ialy, Sê San 3, Sê San 3A và Sê San 4. Việc xây dựng các nhà máy thủy điện để đảm bảo "an ninh năng lượng" cho quốc gia là cần thiết, nhưng nếu có quá nhiều nhà máy thủy điện trên một dòng sông như Sê San sẽ rất nguy hiểm.
Sông biến thành lạch…
Chúng tôi tìm đến sông Đắc Snghé, thượng nguồn sông Đắc Bla (một trong ba chi lưu lớn của sông Sê San), nơi có thủy điện Thượng Kon Tum đang xây dựng. Đến đoạn thị trấn Đắc Rve (huyện Kon Rẫy) đã thấy sông Đắc Pne (hạ lưu sông Đắc Snghé) cạn khô, trơ cát trắng xóa và một lạch nước nhỏ chảy qua. Phía hạ lưu chân cầu Đắc Rve (bắc qua sông Đắc Pne) cỏ mọc đầy, những đứa trẻ đang nô đùa cùng đàn bò gặm cỏ giữa lòng sông. Phía thượng lưu, người dân địa phương cùng máy móc nô nức khai thác cát.
Khi thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, mùa khô con sông này chỉ như cái lạch nhỏ. Từng năm, hai bên bờ sông cứ rộng ra dần, còn lòng sông chẳng khác gì một con lạch. Khi mùa mưa về, nhà máy thủy điện xả lũ, dòng sông bỗng trở nên dữ tợn hơn bao giờ hết. Bờ sông lúc này không quen chịu lực trong một thời gian dài, cứ lở dần. Nhà ông Lương Đức Hậu (nhà ở cạnh sông Đắc Snghé) có mảnh vườn rộng hơn 1ha nằm cạnh sông nhưng bây giờ đã sạt lở còn khoảng nửa sào. "Cứ đà này, đất vườn sẽ mất hết và không biết lấy gì để nuôi sống gia đình" - ông Hậu buồn rầu nói.
Đua nhau đãi vàng…
Đến sông Pôkô, thượng nguồn sông Sê San, cách đập Thủy điện Plei Krông chưa đầy 2km, dưới lòng sông đoạn chân cầu Kroong (xã Kroong, TP.Kon Tum) xuất hiện nhiều tốp người đãi vàng. Giới thiệu mình được "40 mùa rẫy" nhưng trông chị Y Hon (ở xã Kroong) già hơn rất nhiều. Lưng địu con chừng 30 tháng tuổi, người dầm mình dưới dòng nước đục ngầu vừa đãi vàng, chị vừa tán chuyện. Chị cho biết, sinh 12 lần nhưng có 3 đứa con đã "về với Yàng" vì bệnh tật không có tiền mua thuốc thang chạy chữa. Trước đây, công việc này chỉ tranh thủ làm thêm khi nước cạn và rỗi việc nương rẫy. Năm vừa rồi trời hạn, vụ mì trồng từ tháng tư đã chết gần hết nên giờ đây đãi vàng gần như là "cần câu cơm" quyết định sự sống còn của đại gia đình. Không riêng chị Y Hon, hầu hết những gia đình khác cũng đều mang vài ba đứa con ra bãi vàng. Những đứa trẻ mới chừng 2 - 6 tuổi, lúc dầm mình dưới nước quan sát bố mẹ làm, lúc túm tụm chơi đùa trên bờ. Những đứa trẻ lớn hơn thì được cha mẹ cho nghỉ học hẳn để ra đây đãi vàng.
Chị Y Hon (xã Kroong, TP.Kon Tum) vừa đãi vàng, vừa địu con.
Người lớn và trẻ nhỏ đua nhau đãi vàng
Thủy điện cũng khô cạn
Ông Đinh Văn Nhẫn, Giám đốc Công ty Thủy điện Sê San 4 cho biết: "Kể từ mùa mưa năm ngoái đến nay, đập của Công ty vẫn chưa thực hiện xả tràn ngày nào, mà theo thông thường thì việc này phải làm vào mùa mưa". Ông Nhẫn giải thích, mực nước chết của đập là 210m, mực nước dâng bình thường là 215m, hiện tại dù đã có vài cơn mưa khá lớn giải hạn nhưng mực nước cũng chỉ đạt 212,5m. Với mực nước trên, nhà máy mới chạy đến công suất 120 MWh, dưới mức đó chỉ đạt từ 110 - 115MWh. Với mức nước hiện tại, 3 tổ máy cùng chạy chừng 5 ngày là đến mực nước chết. Còn nếu ở mực nước dâng bình thường (215m), 3 tổ máy cùng chạy cũng chỉ được hơn 10 ngày là đến mực nước chết.
Theo ông Nguyễn Văn Thú, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy, lưu lượng nước về đập thủy điện Ialy những ngày qua chỉ đạt 64m3/s, trong khi đó mức trung bình vào những mùa khô năm trước đạt 85m3/s. Còn cao trình nước hồ đạt mức 500m (trong lúc mực nước chết là 490m), vì thế nếu chạy hết 4 tổ máy với công suất 680MWh thì nước chỉ đủ chạy khoảng 10 ngày. Theo quy định, những nhà máy thủy điện dù đang trong giai đoạn tích nước cũng phải xả một lượng nước được cam kết trước đó để duy trì dòng chảy hạ du. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế các nhà máy hầu như không thực hiện đúng cam kết. Vì thế, sông cạn thì mặc, miễn sao nhà máy thủy điện tích đủ nước.
Là người sinh ra và gắn bó với mảnh đất biên giới Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) từ mấy chục năm nay, ông Ksor Khiếu, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Ia O kể rằng, khi xưa sông rất yên bình, nước trong xanh. Hai bên bờ sông có nhiều loại cây, rau rừng, cây thuốc…mọc um tùm. Bên cạnh đó, dưới sông có những loại cá quý như : Cá nhét, cá sihanuc… không ở đâu có. Nhiều người đã có đời sống khá giả nhờ việc thu hái, đánh bắt những sản vật thiên nhiên ban tặng. Nhưng giờ đây, nước luôn đục ngầu, còn những loại cây, rau rừng biến mất kể từ khi các đập thủy điện Sê San 3, Sê San 4…chặn dòng.
Trong khi đó, tỉnh Gia Lai lại đang cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng Thủy điện Sê San 4A (ở xã Ia O) với công suất 63MW ngay hồ điều hòa nước sông Sê San phía hạ lưu thủy điện Sê San 4. Khi thủy điện này đi vào hoạt động, hồ điều hòa này sẽ mất tác dụng điều chỉnh dòng chảy hạ lưu sông Sê San ở phía nước ta và cả nước bạn Campuchia. Ông Đinh Văn Nhẫn cho biết: "Khi xây dựng Thủy điện Sê San 4, Ủy hội Sông Mê Kông đã yêu cầu Việt Nam phải xây dựng hồ điều hòa với dung tích 25 triệu m3 nước để đảm bảo điều tiết xả nước xuống hạ lưu khi nhà máy phát công suất thấp hoặc không phát điện. Bây giờ, không hiểu sao tỉnh lại cho xây dựng Thủy điện Sê San 4A ngay tại hồ điều hòa"? Và như thế, một khi Thủy điện Sê San 4A tích nước, hạ lưu sông Sê San sẽ tiếp tục khô cạn.
Bài & ảnh: Lữ Hồ
Bài 3: Những phận người trên dòng sông Ba