Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng phụ trách Kinh tế của 11 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam tại lễ ký kết chính thức CPTPP. Ảnh: VGP |
Ngày 9/3 (theo giờ Việt Nam), Bộ trưởng phụ trách Kinh tế của 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã chính thức đạt bút ký CPTPP tại thành phố Santiago (Chile).
Tại lễ ký kết, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung chia sẻ quan điểm cho rằng, bằng việc đạt được các kết quả tiêu chuẩn cao và cân bằng, CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hiệp định thương mại tự do này thể hiện cam kết chung của các nước thành viên đối với hệ thống thương mại hiệu quả, dựa trên quy tắc và minh bạch, có tính mở đối với tất cả các nền kinh tế sẵn sàng chấp nhận các nguyên tắc này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gặp song phương Bộ trưởng Ngoại giao Chile Heraldo Muñoz Valenzuela. Ảnh: VGP |
Các Bộ trưởng của 11 nền kinh tế thuộc CPTTP bày tỏ quyết tâm sẽ nỗ lực hết sức hoàn thành một cách nhanh chóng các thủ tục pháp lý trong nước nhằm sớm đưa Hiệp định vào thực thi.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng hoan nghênh sự quan tâm của một số nền kinh tế khác đối với Hiệp định. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế một cách sâu rộng trong tương lai thông qua Hiệp định CPTPP.
Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng đã nhất trí giao các Trưởng đoàn đàm phán bắt đầu quá trình chuẩn bị cần thiết để việc thực thi Hiệp định này được thông suốt.
Buổi gặp song phương trước lễ ký Ảnh: VGP |
Việc các Bộ trưởng phụ trách kinh tế - thương mại của 11 nước tham gia CPTPP chính thức ký kết Hiệp định và đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa còn gặp nhiều khó khăn và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
CTPPT có hiệu lực sau khi 6 trong số 11 nước tham gia đàm phán hoàn tất các thủ tục phê chuẩn trong nước.