Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Những gốc đào đầu tiên được gắn tem truy xuất nguồn gốc |
Theo ông Hà Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La, thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về truy xuất nguồn gốc, Sơn La đã lựa chọn cây đào để truy xuất nguồn gốc trong mùa Tết năm nay.
Để thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào phục vụ tết Nguyên đán, Sở KH&CN Sơn La đã phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia – Cơ quan đầu mối thực hiện triển khai Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ cung cấp hệ thống và tem truy xuất cho cây đào.
Theo ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, khi được quét mã QR code gắn trên cây đào, hệ thống truy xuất nguồn gốc do Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia vận hành sẽ cung cấp thông tin về người trồng, địa chỉ, diện tích, thông tin về năm trồng đào…
“Việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào sẽ giúp người mua đào xác định rõ nguồn gốc xuất xứ cây đào, phân biệt rõ giữa đào rừng và đào trồng, giúp cây đào trở thành hàng hóa lưu thông một cách thuận lợi”, ông Bùi Bá Chính cho biết.
Hiện, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đã sẵn sàng kích hoạt cho hơn 1.000 tem truy xuất để đào Sơn La dễ dàng khi tiêu thụ. Tỉnh Sơn La hỗ trợ kinh phí cho người dân trồng đào thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Sơn La có diện tích lớn thứ 3 cả nước với hơn 5.000 ha diện tích trồng đào, theo ước tính, với diện tích đào của Sơn La cần dùng khoảng 300.000-500.000 tem truy xuất nguồn gốc. Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đã chuẩn bị sẵn sàng 1 triệu tem truy xuất để phục vụ nhu cầu truy xuất đào trồng của Sơn La cũng như các địa phương khác nếu có nhu cầu.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến “người dân không tự ý chặt, phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi vào dịp Tết”.
Lãnh đạo Sở KH&CN Sơn La khảo sát vùng trồng đào tại huyện Yên Châu |
Ngay sau đó, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cấp, các ngành của địa phương rà soát diện tích cây đào trên địa bàn tỉnh, qua rà soát cho thấy diện tích cây đào trồng trên 5.000 ha, chủ yếu là do đồng bào dân tộc ở vùng cao, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn và trồng trên đất nông nghiệp, vườn nhà, cây đào là nguồn thu nhập của bà con dân tộc từ việc bán đào trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo anh Tánh Lau Gàng, xã Chiền Tương, huyện Yên Châu, Sơn La, cây đào mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình, mỗi vườn đào khoảng hai trăm gốc mang lại cho gia đình anh hàng trăm triệu mỗi năm. Do có hiệu quả kinh tế và dễ trồng, không phải chăm sóc nhiều nên gia đình anh Tánh Lau Gàng đã chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng đào. Cũng theo anh Gàng, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào rất được bà con ủng hộ, nhờ có tem truy xuất nguồn gốc là cơ sở để xác nhận thương hiệu đào Sơn La từ đó giúp đào sẽ được giá cao hơn.
Ngoài tem truy xuất nguồn gốc, một số địa phương của Sơn La cũng chủ động sử dụng tem quảng bá, xác nhận. Huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã thống nhất đưa vào sử dụng 2 mẫu tem quảng bá, xác nhận đào trồng của người dân huyện Vân Hồ, với số lượng hơn 10.000 tem.
Theo Phó Chủ tịch huyện Vân Hồ Vũ Thanh Hải, hai mẫu tem có kích thước 4x15 cm và 4x20 cm. Kinh phí in tem sử dụng nguồn xã hội hóa, mỗi tem có giá khoảng 1.000 đồng/chiếc. Trên tem có chữ ký của Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ. Cơ sở in phải ký cam kết in độc quyền theo số lượng đặt sẵn để tránh làm giả.
Huyện Vân Hồ cũng chỉ đạo chính quyền địa phương cấp xã rà soát số hộ, số lượng đào được trồng để phát tem đến người dân. Thương lái khi đến mua đào phải có giấy xác nhận mua của hộ nào, ở đâu, số lượng bao nhiêu... để chứng minh nguồn gốc của địa phương. Việc tiêu thu được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo cho người dân mua bán nhanh chóng, thuận tiện.
Thu Cúc