Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sông Hồng đoạn chảy qua Lào Cai - Ảnh: Wiki |
Không ai biết Sông Hồng hình thành từ đời nào. Từ Việt Trì, Sông Hồng có thêm hai phụ lưu là Sông Đà và Sông Lô với hàng ngàn lạch khe, suối nhỏ, suối to, ngòi nhỏ, ngòi to đổ vào Sông Hồng với 609 km bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn cao 1.776 mét thuộc huyện Nhị Đô, tỉnh Vân Nam trên Cao nguyên Vân Nam (Trung Quốc) và 556 km trên đất Việt Nam, vẫn là nguồn chủ công bào mòn những vùng đất nó đi qua, hòa trong 122 tỷ m3 nước/năm một khối lượng phù sa khổng lồ là 120 triệu tấn/năm.
Cứ thế, nó cần mẫn bồi đắp nên một vùng châu thổ có bề dày từ 180m đến 60m ở trung tâm đồng bằng, càng đi ra rìa càng nông hơn, đến mức một vài nơi còn lộ cả nền đá gốc.
Tổng diện tích đất tự nhiên nhờ nó mà có ở vùng châu thổ cả Sông Hồng và Sông Thái Bình này là 1.479.416 ha gồm 8 tỉnh và 4 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Không chỉ bồi đắp cho đầy mãi lên sự màu mỡ mà nó còn chịu thương chịu khó mỗi năm mở mang bờ cõi cho đất nước nhờ lấn ra biển, trung bình 300 m qua 11 cửa sông là: Lạch Huyện, Nam Triệu, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, Diêm Điền, Trà Lá, Ba Lạt, Lạch Giang và Đáy.
Vậy là cứ khoảng từ 150 đến 200 năm, đất nước sẽ có thêm một vùng đất mới cỡ một nửa huyện Hải Hậu, Nam Định. Huyện Hải Hậu ngày nay là vùng đất được hình thành nhờ một con đê lấn biển mà ông cha ta đắp trong khoảng từ năm 1430 đến năm 1440 tạo ra, nên mới có tên Hải Hậu, nghĩa là “sau biển”.
Một vùng ven biển Thái Bình chẳng phải là nhờ công lao Nguyễn Công Trứ cho đắp đê rửa chua khua mặn mà làm nên một biển lúa của châu thổ vùng này sao?
Người Việt Nam biết ơn Sông Hồng đã bồi đắp nên châu thổ Sông Hồng. Có châu thổ Sông Hồng mới có nền văn minh lúa nước Sông Hồng.
Sông Hồng - lịch sử dựng nước, giữ nước của nhân dân
Năm nghìn năm trước, những người Việt cổ đã cư trú ở Phùng Nguyên. Ở di chỉ Đồng Đậu, ta đã tìm thấy gạo cháy. Ở Tràng Kênh (Hải Phòng) thấy phấn hoa của lúa nước Oryza. Rồi sau đó, khi vùng biển này lùi mãi ra xa nhờ phù xa bồi lấp, họ mới rời bỏ vùng đất cao của khu vực Phong Châu, Mê Linh để khai phá đồng bằng hoang vu này.
Lau sậy, cỏ dại, rừng ngập nước nhiệt đới với bao nhiêu muông thú, rắn rết, thuồng luồng… mãi tới Thế kỷ XVII còn được Phan Huy Chú miêu tả trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí về Đầm Dạ Trạch ở vùng Khoái Châu như một minh họa.
Không phải ngẫu nhiên, phía Tây Hồ Tây lại có một làng tên là Trích Sài (tức là làng làm nghề hái củi). Mùa hoa đào năm ngoái, tôi có đến thăm nhà ông Chu Văn Thứ, người thuê một mảnh đất ở cánh đồng Xã Phú Thượng để lập vườn trồng đào. Để có những luống đất cao trồng đào và có nước tưới, ông cho đào một cái ao sâu hơn 2,5 m, thấy toàn những gốc cây to ở thế đứng, rễ nhằng nhịt, phải vất vả lắm thợ đấu mới đánh lên được. Mấy trăm gốc chất sau nhà phơi khô đun dần.
Cuối những năm 70, các nhà khảo cổ còn đào thấy ở Văn Điển một khu cư trú cũ, có nhiều đồ đá, trong đó có một tượng người. Đấy là di tích thời kỳ đồ đá mới.
Nhờ có châu thổ Sông Hồng với địa thế “trung tâm trời đất”, “được cái thế rồng cuộn hổ ngồi”, “tiện hướng nhìn sông, dựa núi”, “địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng”, “muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi”, với con mắt nhìn thấu sáu cõi, tầm nhìn chiến lược của một bậc Đế vương đích thực, Lý Công Uẩn mới đi đến quyết định có ý nghĩa sống còn đối với đất nước: “Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa, thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi Kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.
Năm 1010, với Chiếu dời đô (trích) ấy, Lý Công Uẩn đã cho dời Kinh đô từ Hoa Lư, Ninh Bình ra đại La, đổi tên là Thăng Long, thì sau này Hà Nội mới đóng vai trò là Thủ đô của đất Việt, châu thổ Sông Hồng mới thực sự trở thành cái nôi của dân tộc Việt Nam trong hành trình 1000 năm dựng nước và giữ nước.
Vừa rồi, Ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có làm một cuộc khảo sát để xem Vua tôi đã theo đường sông nào để “dọn” cung thất từ Hoa Lư ra Thăng Long dựng đô mới. Lập lại được cuộc hành trình ấy cũng là điều thú vị trong việc tái hiện lại lịch sử dựng nước rất có ý nghĩa đối với Hà Nội.
Ở Việt Nam ta ngày xưa, ngoài nguồn nước tưới và sinh hoạt hàng ngày, sông ngòi vẫn là đường giao thông chính cho con người đi lại giao lưu văn hóa, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế và chuyển quân đánh giặc. Chính nhờ hệ thống Sông Thái Bình (do ba con sông: Sông Cầu, Sông Thương và Sông Lục Nam nhập lại) nối với Sông Hồng bằng các sông: Kinh Thầy, Lạch Tray, Sông Đuống, Sông Luộc và Sông Đáy tạo nên một hệ thống giao thông đường sông chằng chịt trên khắp vùng châu thổ và thông ra biển qua 11 cửa.
Ba lần danh tướng Lý Thường Kiệt ra quân đều dùng chiến thuyền hành binh theo đường thủy đánh giặc. Lần thứ nhất khoảng 1068, ông được Lý Thánh Tông phong làm Đại tướng quân, cùng nhà Vua đem năm vạn quân xuống 200 chiến thuyền đi đường biển vào đánh Chế Củ ở phía Nam.
Lần thứ hai, ngày 2/1/1076, Lý Thường Kiệt lại dùng hơn 200 chiến thuyền, mỗi chiếc chở 250 quân theo đường biển chủ động đánh sang đất giặc chiếm cả Sạ Đẩu, Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu của quân Tống rồi lại chủ động rút về. Cuối năm ấy (1076), 30 vạn quân Tống đánh sang trả hận. Ta dàn quân đánh bộ ở chiến tuyến Sông Như Nguyệt (Sông Cầu). Thủy quân trên 400 chiến thuyền thì cắm ở Sông Lục Đầu đánh cho chúng một trận tơi bời.
Không biết bao giờ ta đủ tài, đủ sức dựng một bộ phim lịch sử đánh giặc phương Bắc để có thể tái hiện được quang cảnh ngày 9/10/1284 cả 13 trại, 61 phường dân Thăng Long và đất các vùng lân cận đổ ra xem cuộc đại duyệt quân thủy và quân bộ ở Đông Bộ Đầu trước khi ra trận với hai chữ “Sát Thát” trên tay, để tạc vào lịch sử những trận đánh thắng giặc ở Chương Dương, Vạn Kiếp, Hàm Tử còn lưu lại muôn đời trong câu thơ bất hủ:
Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù…
và thành địa danh trên bến Sông Hồng, Hà Nội hôm nay.
Đông Bộ Đầu là chiến trường chống quân Nguyên tấn công Kinh thành của quân dân ta đời nhà Trần. Nó ở vào quãng từ Bãi Phúc Xá xuống đến trước Cảng Phà Đen bây giờ. Trên đó có một đồn thủy quân, một vị trí quân sự rất quan trọng, chỗ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày nay. Trước 1954, nó cũng vẫn là bệnh viện, bà con ta gọi là Bệnh viện Đồn Thủy là vì thế. Rồi hai lần thắng quân Mông - Nguyên trên Sông Bạch Đằng.
“Người ta không thể nào tắm hai lần trên một dòng sông”. Với ý nghĩa triết học của sự vận động thì điều ấy là tuyệt đối. Nhưng bảo “lịch sử không bao giờ lặp lại” thì… Cũng vẫn giặc ngoại xâm phương Bắc. Cũng vẫn theo đường biển kéo vào. Cũng vẫn bị ta phục kích ở cửa Sông Rút, Sông Chanh - hai nhánh của Sông Bạch Đằng. Cũng vẫn bị thua bởi một cách đánh. Cũng vẫn chừng chiếc cọc lim ấy chọc thủng thuyền giặc…: bạn hãy đến Bạch Đằng Giang để ngẫm nghĩ về lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc và nhớ tới hai câu thơ của Trương Hán Siêu trong bài Phú Bạch Đằng:
Đỏ rực ráng chiều in đáy nước
Ngỡ rằng máu giặc vẫn còn đây.
Năm 1786, Nguyễn Huệ dẫn thủy quân ra Bắc, ngược Sông Hồng phá đoàn thuyền chiến của Chúa Trịnh ở Bến Thúy ái. Cũng Nguyễn Huệ - Quang Trung đã hành quân thần tốc ra Thăng Long phá tan hai mươi vạn quân Thanh của tướng giặc Tôn Sỹ Nghị. Quân tướng giặc chạy qua cầu phao Bắc ở Bến Tây Long (chỗ Đầm Trấu, ngoài Nhà máy xay Lương Yên bây giờ). Cầu vỡ, đứt, quân sỹ chen lấn nhau rơi xuống sông, không đếm xuể. Lại cái lần ta đánh tan hai mươi vạn quân Thanh khiến chúng phải tranh nhau qua cầu phao trên Sông Hồng, rơi xuống sông chết nhiều như sung rụng mặt ao.
Thế đấy! Không một chiến thắng nào của dân tộc ở phía Bắc mà Sông Hồng (và các chi lưu của nó) không tham chiến, không góp công vào thắng lợi.
Sông Hồng chính là lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân, của Hà Nội.
Một đoạn Sông Hồng gần Hà Nội vào mùa cạn - Ảnh: Wiki |
Thêu sắc đỏ trên áo dài Hà Nội
Khi Hà Nội trở thành Kinh đô, thì ngoài vị trí là gương mặt, là đầu não điều khiển toàn bộ hoạt động của đất nước, nó còn là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế. Nhưng trước hết là của tam giác châu thổ Sông Hồng mà sự thông thương giữa Hà Nội - “thứ nhất Kinh kỳ” với “thứ nhì Phố Hiến” (Hưng Yên) nhờ Sông Hồng để từ đó tỏa ra xung quanh trở nên vô cùng nhộn nhịp, ấy là cảnh dòng sông trên bến dưới thuyền, san sát tàu thuyền ra vào bốc dỡ hàng hóa.
Thời phồn thịnh Thế kỷ XVII khi ta mở cửa giao lưu thương mại với các nước thì Hà Nội trở thành trung tâm sản xuất, đầu mối trung chuyển.
Và hôm nay, trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa, Hà Nội được xác định là đỉnh của tam giác kinh tế mà hai góc đáy là Quảng Ninh và Hải Phòng. Đường Quốc lộ số 5 đã được nâng cấp. Việc nâng cấp Đường 18 đã hoàn thành. Cầu Bính, cầu dây văng Bãi Cháy đã đi vào sử dụng. Đường sắt Hà Nội - Hải Phòng vẫn đảm bảo tối đa năng lực vận chuyển. Nhưng vận tải đường thủy trên Sông Hồng từ các nơi về Hà Nội và từ Hà Nội đi các nơi vẫn có một vị trí quan trọng, nhất là với tuyến Hà Nội đi Sơn La (phải bốc dỡ hàng qua đập của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình), đi Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai. Nhưng điều quan trọng hơn cả là: hệ thống Sông Hồng (và Sông Thái Bình) vẫn tiếp tục là nguồn thủy lợi cho nền nông nghiệp và cuộc sống của 11 tỉnh thuộc châu thổ Sông Hồng.
Hàng ngàn năm nay, Sông Hồng đã chảy thành một phần rất trọng yếu của lịch sử nước Việt, trong đó có một ngàn năm chảy thành lịch sử Hà Nội.
Nó trở thành một phần xương thịt của những miền đất nó đi qua, của bao thế hệ, của mỗi con người từng gắn bó máu thịt với nó.
Mỗi người lại có một Sông Hồng của riêng mình. Bao nhiêu người Hà Nội đi kháng chiến đã sống với Sông Hồng cùng Nguyễn Đình Thi mỗi khi ngân nga “Hồng Hà ơi, ta nhớ mùa Thu xưa, nước về như sóng cờ lên khi quân về Thủ đô…”. Sông Hồng trong Du kích Sông Thao là bản tráng ca bằng ngôn ngữ âm thanh đẹp nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp. Và cuối năm 1954, bao nhiêu người từ trong những khu rừng Việt Bắc âm u cũng náo nức hồi cư về Hà Nội với lời mời rủ của Tố Hữu:
Sông Thao náo nức sóng dồi.
Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền!.
Theo thư tịch cổ Trung Quốc thì khoảng trước Thế kỷ VI, người Trung Hoa gọi con sông này là Diệp Du. Còn bây giờ, Trung Quốc gọi phần thượng lưu Sông Hồng từ nơi phát tích là Nguyên Giang hay Mã Long Giang. Gần đến vùng biên giới Việt Trung lại gọi là Liên Hoa hay Lê Hoa.
Vào đất Việt, mỗi vùng quê lại có Sông Hồng của mình. Từ Lào Cai đến Việt Trì con Sông như dải lụa đào uốn lượn giữa hai bên bờ rừng cọ đồi chè nên người Phú Thọ gọi nó là Sông Thao (lụa). Thao còn là một từ tố trong Lâm Thao, tên một huyện của Phú Thọ mà dòng sông chảy qua. Từ Việt Trì về đến Hà Nội là Sông Bạch Hạc.
Bây giờ vẫn còn nhiều cụ già gọi sông này là Sông Cái, nghĩa là Sông Mẹ. Mẹ của trăm ngàn con sông khác. Đấy là cái tên có từ xa xưa mà người Việt cổ đã gọi, có lẽ theo nếp nghĩ của chế độ mẫu hệ.
Người Pháp thì rất lãng mạn và có lý khi nhìn dòng nước phù sa hồng hào máu thịt mà gọi nó là Sông Hồng, cái tên được gọi chính thức cho đến ngày nay. Sông Hồng cong mình ôm lấy Thăng Long để từ thời Minh Mạng mới gọi đất này là Hà Nội (trong sông).
Yêu lắm, dải lụa đào Sông Hồng - tà áo dài phần phật quấn quýt bên cặp chân thon thả cô gái Hà Nội.
Cảm ơn sự liên tưởng của một nhà thơ Hy Lạp mà Sông Hồng tuyệt đẹp không bao giờ phai trong ký ức của ông:
Tôi không bao giờ quên Sông Hồng,
Thêu sắc đỏ trên áo dài Hà Nội.
* Các tiêu đề do Tòa soạn đặt
Trích Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long