Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa lớn liên tục trong ngày 14/11 đến sáng 15/11 khiến mực nước các sông trên địa bàn tỉnh điều dâng cao trên báo động 3.
Mực nước sông Hương tại trạm Kim Long lúc 7h30' ngày 15/11 là +4,19 m, vượt mức lũ năm 2020 và còn tiếp tục tiếp tục dâng cao vì trên địa bàn Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa lớn từ thượng nguồn.
Từ tối 14/11, nước lũ trên sông Hương đã tràn qua khu vực Đập Đá và gây ngập diện rộng tại TP. Huế và các địa phương lưu vực sông.
Công tác dự báo, cảnh báo và truyền thông diễn biến mưa lũ được các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế cập nhật liên tục.
Trong đêm, người dân vùng hạ du sông Hương, sông Bồ đã chủ động kê cao đồ đạc, phương tiện và di chuyển đến nơi an toàn.
Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế thông tin: "Tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Bà con không được chủ quan. Những khu vực vùng trũng, xung yếu cần di chuyển người dân đến nơi an toàn. Người dân có nhu cầu ứng cứu gọi tổng đài 19001075".
Do mưa lũ diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đã thông báo các cơ sở giáo dục và TP. Huế cũng đã cho sinh viên nghỉ học hoặc học trực tuyến trong ngày 15/11.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ ngày 15/11 đến 17/11, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300 mm, cơ nơi trên 500 mm. Mực nước các sông tiếp tục duy trì ở mức cao trên báo động 3, gây ngập lụt trên diện rộng.
Ngay trong sáng 15/11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành công điện KHẨN (công điện số 7) yêu cầu các huyện, thị xã và TP. Huế; các sở, ban ngành khẩn trương thực hiện nghiêm túc Công điện số 1034/CĐ-TTg ngày 31/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Công điện số 17/CĐ-QG ngày 12/11/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT-Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN; Công điện số 05 ngày 13/11, Công điện số 6 ngày 14/11 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai các phương án sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực sạt lở sông, cửa sông, ven phá, ven biển, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Các lực lượng quân đội, công an triển khai lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán người dân, triển khai cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng kiểm soát, rào chắn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là khu vực nước chảy xiết, không để xảy ra sự cố gây thiệt hại về người.
Chủ động bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân có nguy cơ bị chia cắt dài ngày do ngập sâu, sạt lở đất.
Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt, bảo đảm an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h để ứng phó với mưa lũ.
Thế Phong