Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Cứ mỗi mùa mưa lũ, người dân sống dọc theo hai bờ sông Lamlại thấp thỏm lo âu. Lo vì dòng sông hiền hòa thuở nào giờ đã trở nên hung dữ đến lạ thường, nhất là trong mùa mưa lũ. Người dân ven dòng sông này chưa ai đếm được và cũng chẳng thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần dòng sông Lam nhấn chìm những làng mạc, cuốn trôi hàng nghìn nhà cửa trong sự bất lực, xót xa của những người nông dân quanh năm lam lũ...
Sống chung với lũ
Trong ký ức của mình, chắc hẳn người dân xóm 16, xã Hưng Long (huyện Hưng Nguyên - Nghệ An) chưa thể nào quên được đợt lũ lịch sử tháng cuối tháng 10 năm 2010. Trận lũ hồi đó được coi là "lịch sử" trong vòng 10 năm qua xẩy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trận "đại hồng thủy" đã nhấn chìm hết nhà cửa, ruộng vườn của người dân nơi đây. "Xóm có 70 hộ gia đình thì tất cả đều bị lũ nhấn chìm. Do lũ lên quá nhanh nên chúng tôi bất ngờ, ai cũng không kịp chuẩn bị được gì nên hầu như tài sản bị cuốn trôi hết sạch" - Ông Lưu Văn Thông, xóm trưởng xóm 16, xã Hưng Long xót xa nhớ lại.
Trong những ngày lụt giữa tháng 9 vừa qua, chúng tôi được dịp quay lại vùng rốn lũ này. Trên chiếc đò nhỏ của mình, ông Thông chở chúng tôi vượt dòng lũ ra khu vực xóm 12 và xóm 16 xã Hưng Long để chứng kiến đời sống khó khăn, vất vả của người dân trong cơn lũ dữ.
Cũng phải mất gần 30 phút chèo đò chúng tôi mới có thể tiếp cận ốc đảo xóm 16. Tại đây, hàng chục chiếc sà lan mà thường ngày người dân dùng để khai thác cát cũng đang được đưa vào khu vực dãy phi lao ngay sát bờ sông để tránh lũ. Ở trên sà lan, một người đàn ông tên Thắng nói vọng xuống chiếc đò nhỏ của chúng tôi với vẻ buồn rầu: "Năm nào mùa mưa lũ về là dân vạn đò chúng tôi lại khổ. Năm nay mới đầu mùa mà đã phải 2 lần hứng chịu cảnh lụt lội, sơ tán thế này rồi. Đã gần 10 ngày trời nước lũ chưa chịu rút nên chúng tôi cứ lênh đênh thế này đây".
|
Chòng chành một vòng trong xóm 16 thăm những căn nhà ngập nước, chúng tôi được ông xóm trưởng cho vào ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Hương, mà có lẽ gọi là chòi thì đúng hơn bởi cái mà gọi là nhà này chỉ có 4 cái cột được dựng lên, mái lợp phiarô đã cũ kỹ, có tấm đã bị thủng lỗ chỗ nên phải phủ thêm nhiều tấm phên đan sơ sài. Bốn bức tường nhà làm bằng phên nứa đan cũng đã bị mục, cả căn nhà chỉ có duy nhất 1 cái cửa để chị Hương chui ra chui vào.
|
Chị Hương tâm sự: "Năm nào tôi cũng phải đi sơ tán vì nhà cửa bị ngập hết. Giờ sống chung với lũ đã quá quen đối với dân ngoài đê chúng tôi rồi. Năm nào cũng phải 4-5 lần lũ lớn ngập nhà cửa, vườn tược như thế này".
Tại xóm 12, xã Hưng Long vừa qua cũng bị lũ uy hiếp. Cả xóm có 200 hộ dân thì hầu hết đều bị ngập đến nửa nhà, toàn bộ hoa màu, ruộng lúa và vườn tược đều bị ngâm trong nước lũ.
Khi chúng tôi có mặt, người dân đang vội vã gặt lúa non. Dù còn khoảng 1 tuần nữa mới đến vụ thu hoạch nhưng do lúa đã bị ngập nước, lại bị ngâm nhiều ngày nên nếu để lâu sẽ bị hư hại, vì thế buộc người dân phải gặt nhanh để mong vớt vát lại chút ít.
Ông Phạm Văn Hiền, xóm 12, xã Hưng Long cho biết: "Cả nhà chỉ trông chờ vô 5 sào ruộng này mà giờ bị ngập hoàn toàn đã mấy ngày nay. Vợ chồng bàn bạc mãi mới đưa ra quyết định gặt non dù biết là sẽ chẳng được nhiều nhưng còn hơn là mất trắng. Chú xem chứ nước lụt năm nay rút chậm lắm, bắt đầu bị ngập từ 11/9 mà nay đã 18/9 rồi nước vẫn chưa chịu rút cho thì cây gì mà chẳng chết. Phen này cái đói lại bám dân Hưng Long chúng tôi mất thôi".
Tại xã ngoài đê Hưng Nhân, năm nào cũng vậy, nơi đây luôn là điểm bị ngập lụt sớm nhất và lâu nhất của huyện Hưng Nguyên; người dân đã quá quen với câu nói "nơi chưa mưa đã ngập".
Trong đợt lũ vừa qua, toàn xã cũng bị cô lập hoàn toàn. Nhà cửa bị ngập hết, hoa màu, ruộng lúa và vườn tược cũng như đồ đạc trong nhà đều bị nước lũ nhấn chìm. Khổ nhất là ở đây hầu hết đều là dân nghèo nên đa số chỉ có nhà cấp 4 đã thấp lại thêm lụp xụp nên lũ lên là coi như "hết đường chạy".
Bao giờ hết khổ vì lũ ?
Chị Bá Thị Mậu, ở xóm 5, xã Hưng Nhân thở dài: "Không ngờ năm ni lụt đến sớm quá. Mới vào mùa mưa lũ mà chúng tôi đã phải 2-3 lần hứng chịu lụt lội rồi. Cả nhà có 5 sào lúa thì mới cấy lại vì hậu quả của cơn bão số 3 nhưng giờ lại bị ngập tiếp có khi lại bị mất trắng, 7 sào lạc cũng đang bị ngập sạch, có khi mùa này thế là coi như mất thu hoạch rồi các chú ạ".
Chung cảnh ngộ như chị Mậu, gia đình ông Hồ Đức Cẩn cũng bị lũ ngập ngang nhà, phần lớn đồ đạc đều bị ướt hết. Khi chèo đò vào nhà ông Cẩn thì cả nhà ông đang hì hục khuân những đồ đạc chưa bị ướt lên chạn để cất, còn những thứ đã ướt thì căng dây lên để phơi cho đỡ mốc. "Năm mô cũng thế này chú ạ. Xã Hưng Nhân nằm ngoài đê hoàn toàn nên luôn bị lụt trước người ta, cảnh sống chung với lũ đã quá quen với bao gia đình ở đây. Chỉ buồn là lũ về thì bao nhiêu đồ đạc, ruộng lúa và hoa màu thường "đội nón" đi theo dòng nước xiết, nghĩ lại mà xót xa lắm".
Chúng tôi ghé vào nhà chị Phan Thị Xuân ở xóm 3 khi chị vừa đi gặt lúa non về. Thấy chúng tôi đến, chị Xuân không kìm nén được sự buồn bã: "Nhà có 3 sào ruộng đang chuẩn bị đến vụ thu hoạch thì bị ngập hết, đợi mấy ngày rồi nước mới rút chút ít và chèo đò ra gặt vội để mong lấy lại chút lúa non mà cả gia đình đã bỏ công sức ra chăm bón. Năm nào cũng rứa, cứ mùa mưa lũ đến là cả nhà nơm nớp lo âu, lo mất mùa, lo trôi nhà và...lo đói".
Được biết, hộ chị Xuân là một trong số hơn 150 hộ nghèo của xã Hưng Nhân. Chồng chị là anh Hoa Hồng Lĩnh đau ốm kinh niên không làm được việc gì, một mình chị nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. "Cái nghèo thì khó thoát khỏi khi chỉ một lao động chính mà nuôi 5 miệng ăn, thêm tiền thuốc của chồng, tiền học của 3 đứa con, lại thêm mưa lũ gây mất mùa triền miên nữa.." - Chị Xuân tâm sự.
Rời vùng "rốn" lũ, chúng tôi men theo triền đê Tả Lam mà lòng buồn trĩu nặng. Những căn lều lụp xụp được dựng tạm trên đê là nơi sơ tán của hàng trăm hộ gia đình mỗi mùa lũ về; những chiếc bè nứa cùng với con đò nhỏ chòng chành ngoài dòng lũ là phương tiện đi lại duy nhất của người dân vùng lũ lụt... Trước những cảnh tượng này câu hỏi "bao giờ người dân hết khổ vì lũ?" cứ canh cánh trong tôi.
Đình Tiệp