• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Sử dụng 75% vật liệu tái chế trong bảo trì quốc lộ trên toàn quốc

(Chinhphu.vn) - Hiện tại, toàn bộ các dự án bảo trì quốc lộ đã áp dụng công nghệ cào bóc tái chế, trong đó tái chế nóng có tiêu chuẩn tái chế 50% (tận dụng 50% cốt liệu). Trong năm nay, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ đề nghị Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng kết hợp với đối tác Nhật Bản nghiên cứu, nâng mức tái chế đến 75%.

14/07/2025 17:47
Sử dụng 75% vật liệu tái chế trong bảo trì quốc lộ trên toàn quốc- Ảnh 1.

Nâng cấp đường bằng công nghệ cào bóc tái chế nóng tại sân bay Nội Bài

Ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh chủ trì cuộc họp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các nhiệm vụ cấp bách ngành xây dựng, tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Toàn bộ các dự án bảo trì quốc lộ áp dụng công nghệ cào bóc tái chế

Liên quan đến các giải pháp đột phá xây dựng đô thị thông minh, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu các cục quản lý chuyên ngành và đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đồng bộ hệ thống ngầm, hệ thống thoát nước về xử lý nước thải, hệ thống đường điện, vỉa hè, nghiên cứu sử dụng vật liệu mới, thân thiện với môi trường; Ứng dụng công nghệ cào bóc tái chế mặt đường trong đô thị và trên các tuyến quốc lộ.

"Tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế phải được nghiên cứu kỹ lưỡng từ những hạng mục công trình nhỏ nhất như hệ thống hố ga trên đường phố, quy cách thi công, khoảng cách phù hợp với cường độ mưa từng khu vực… để góp phần giải quyết tình trạng "cứ mưa là ngập" ở các đô thị lớn. Đồng thời, việc thi công các công trình ngầm phải bảo đảm đồng bộ với xây dựng hạ tầng giao thông, không để xảy ra trường hợp đường vừa làm xong đã đào lên sửa chữa các công trình khác", Bộ trưởng lưu ý.

Sử dụng 75% vật liệu tái chế trong bảo trì quốc lộ trên toàn quốc- Ảnh 2.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh chủ trì cuộc họp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các nhiệm vụ cấp bách ngành xây dựng, tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị - Ảnh: Tạ Hải

Báo cáo với Bộ trưởng, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời điểm hiện tại, toàn bộ các dự án bảo trì quốc lộ đã áp dụng công nghệ cào bóc tái chế, trong đó tái chế nóng có tiêu chuẩn tái chế 50% (tận dụng 50% cốt liệu). 

Công nghệ cào bóc tái chế nóng là phương pháp tái tạo mặt đường cũ bằng cách sử dụng nhiệt để làm mềm và tái chế lớp vật liệu asphalt, sau đó trộn với vật liệu mới và rải lại, tạo thành một lớp mặt đường mới. Công nghệ này được ứng dụng rộng rãi trong việc sửa chữa, nâng cấp và bảo trì các công trình giao thông, đặc biệt là các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn và đang khai thác.

Ưu điểm của công nghệ này là tiết kiệm vật liệu và chi phí so với làm mới hoàn toàn, giảm thiểu lượng rác thải xây dựng, có thể tái sử dụng vật liệu cũ với hàm lượng cao, giảm thiểu việc sử dụng vật liệu mới. Thời gian thi công nhanh, cho phép thông xe trở lại nhanh chóng và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Hiện nay, Nhật Bản đã ứng dụng công nghệ tái chế đến 95% và có quy định bắt buộc các công trình đường bộ (trừ cao tốc) và các công trình sửa chữa diện tích trên 500m2 phải ứng dụng công nghệ tái chế.

"Trong năm nay, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ đề nghị Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng kết hợp với đối tác Nhật Bản nghiên cứu, nâng mức tái chế đến 75%. Tại Việt Nam, tới đây cũng cần bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ này trong thi công, sửa chữa công trình giao thông, bảo đảm tính bền vững, thân thiện môi trường", ông Thái đề xuất.

Đối với việc tăng cường ứng dụng giao thông thông minh, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phải chú trọng phục vụ quản lý vận hành. Thời gian tới, ngành xây dựng sẽ hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu, kết nối, phối hợp hiệu quả với các địa phương trong duy tu và đầu tư hạ tầng theo đúng quy hoạch.

Cục Phát triển đô thị phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin nghiên cứu xây dựng tiêu chí về đô thị thông minh và hoàn thiện dự thảo trước ngày 30/8 trình lãnh đạo Bộ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định về đô thị thông minh.

Triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57, Bộ trưởng chỉ đạo tất cả các đơn vị, lĩnh vực xây dựng kế hoạch chi tiết phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo kết hợp với chuyển đổi số, hoàn thành sơ bộ kế hoạch trước ngày 16/7 tới đây.

Tăng tốc thủ tục đầu tư trạm thu phí cao tốc

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng yêu cầu các Cục chuyên ngành, ban quản lý dự án đặc biệt chú trọng đến tiến độ đầu tư các hạng mục/công trình dự án trọng điểm. Đặc biệt, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 sẽ cơ bản hoàn thành trong năm nay. Các ban quản lý dự án cần đẩy nhanh thủ tục đầu tư xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ, ITS, trạm thu phí, trạm cân tải trọng xe để bảo đảm khai thác đồng bộ.

Đề cập đến các công trình hầm đường bộ, Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện nay, 5 công trình hầm đã được phê duyệt, phải khẩn trương triển khai các thủ tục chỉ định thầu, gồm: Hầm Đèo Bụt trên cao tốc đoạn Vũng Áng - Bùng, hầm số 1, số 2, số 3 trên cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, hầm Tuy An trên cao tốc đoạn Chí Thạnh - Vân Phong.

3 công trình hầm cần đẩy nhanh thủ tục, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: Hầm Thần Vũ trên cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, hầm Núi Vung trên cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo và hầm Cù Mông.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế quốc gia.

Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tại Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025, Chính phủ ban hành Chương trình hành động cụ thể, nhằm thể chế hóa các mục tiêu và giải pháp, đồng thời giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 03/NQ-CP, Bộ Xây dựng đã đề ra nhóm nội dung trọng tâm gồm: Tập trung nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn ngành Xây dựng về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh; Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đồng thời Bộ phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Nâng cao hiệu quả quản trị ngành, lĩnh vực, hiệu lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực.

Phan Trang