Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: VGP/Thuỳ Chi |
Đồng thời, tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với bảo vệ môi trường biển, hải đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.
Ông Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc lập quy hoạch nhằm mục đích tăng nhu cầu sử dụng không gian biển; giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng và giảm thiểu các xung đột không gian trong sử dụng đa ngành. Đây là quy hoạch đa ngành, có phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển.
Quy hoạch sẽ được lập theo cách tiếp cận tổng hợp và dựa vào hệ sinh thái, trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành quốc gia nhưng có sự điều chỉnh, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trên một không gian biển nhất định; xử lý các khu vực chồng lấn giữa các quy hoạch, mâu thuẫn giữa các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên một không gian biển nhất định.
Là một quốc gia ven biển có bờ biển dài, nhiều đảo, trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, sự suy giảm nguồn lợi, tài nguyên biển và tác động của biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo và tăng cường hợp tác quốc tế. Trong đó, nổi bật là Luật Quy hoạch, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Đồng thời, Việt Nam đã chủ động tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và ký kết các hiệp định liên quan với các nước có chung đường biên giới biển.
Đặc biệt, ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tổng quát, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Nghị quyết xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, phân công trách nhiệm thực hiện cho các cơ quan liên quan, trong đó có xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch quốc gia, ngành, lĩnh vực.
Thùy Chi