Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đồng diễn Vovinam |
Được võ sư Nguyễn Lộc sáng lập năm 1936 với tên gọi đầy đủ là Vovinam Việt Võ đạo, môn võ dựa theo chủ thuyết “Cách mạng tâm thân”, lấy nền tảng võ và vật cổ truyền dân tộc. Đến nay Vovinam đã có môn sinh ở khắp 40 quốc gia trên thế giới.
Người Việt Nam luôn mơ ước Vovinam sẽ sánh ngang với Karate, Taekwondo... tại các kỳ đại hội thể thao. Việt Nam từng đề xuất đưa Vovinam vào SEA Games 22. Tuy nhiên, do gặp một số trục trặc nên đến phút cuối, môn võ này đã không nằm trong hệ thống thi đấu.
Ngay sau thời gian đó, Liên đoàn Vovinam Việt Nam được thành lập và sau này, khi phong trào Vovinam phát triển ở hơn 40 quốc gia thì Liên đoàn Vovinam thế giới, Liên đoàn Vovinam châu Á cũng được ra đời nhằm phát triển môn võ Việt Nam một cách quy mô hơn. Một bước ngoặt mang tính phát triển của môn võ này khi tại Đại hội Thể thao châu Á trong nhà AIG 3 (2009), Vovinam được đưa vào thi đấu chính thức. Đây chính là tiền đề quan trọng để quốc tế công nhận Vovinam hoàn toàn có thể có mặt tại các đại hội thể thao lớn của châu lục.
Tại SEA Games 26, đội tuyển Vovinam Việt Nam đã giành 5 HCV để đứng đầu toàn đoàn. Còn tại SEA Games năm nay, Vovinam Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững 5 HCV để tiếp tục xếp ngôi đầu.
Nội dung biểu diễn là thế mạnh của Vovinam Việt Nam, với các võ sĩ đáng chú ý như: Trần Thế Thường, Lâm Đông Vượng (HCV SEA Games 26), Hứa Lê Cẩm Xuân, Mai Thị Kim Thùy (HCB SEA Games 26)… Ở nội dung đối kháng, Trần Khánh Trang (50 kg nữ), Nguyễn Duy Khánh (60 kg nam) sẽ là những võ sĩ được kỳ vọng nhất.
Theo lịch thi đấu của Vovinam tại Myanmar, từ ngày 18-22/12 sẽ có 18 nội dung thi đấu được tổ chức, với sự tranh tài của gần 100 võ sĩ đến từ 5 nước, gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia và chủ nhà Myanmar.
Bảo Lâm