Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đại biểu Đặng Đình Luyện (đoàn Khánh Hòa) góp ý về Bộ luật Lao động sửa đổi trong phiên thảo luật tại hội trường, sáng 23/5 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như quy định hiện hành (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) nhưng lao động làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại, vùng biên giới, hải đảo... có thể nghỉ hưu sớm và lao động có chuyên môn cao thì có thể kéo dài độ tuổi nghỉ hưu nhưng không quá 5 năm so với quy định.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc quy định tuổi nghỉ hưu dựa trên những tính toán để phù hợp với nội dung của Công ước xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), phù hợp với xu hướng già hóa dân số trong từng giai đoạn, mục tiêu cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội, cân bằng giữa nhóm lao động và nhóm phụ thuộc…
Hầu hết các ý kiến đại biểu đều “vui mừng” đồng tình với quy định này. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (đoàn Bắc Ninh) và đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành các điều khoản thực hiện quy định trên để Luật sớm đi vào cuộc sống.
Nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng
Đa số các ý kiến đại biểu cũng đồng tình với quy định lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa đánh giá việc quy định lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng là “xứng đáng” với giới nữ và cũng là để bảo vệ tương lai và chất lượng của giống nòi. Ngoài ra, theo khảo sát của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đa số ý kiến người sử dụng lao động đều đồng tình với quy định này.
Ngoài ra, khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động. Hoặc trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.
Để ra được quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Quỹ bảo hiểm xã hội có thể cân đối được chế độ cho lao động nữ mang thai.
Thời gian làm thêm một năm không quá 200 giờ
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo |
Theo ý kiến các đại biểu thì không nên quy định quá nhiều thời gian làm thêm vì cần phải để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và chăm sóc gia đình. Ngoài ra, định hướng chung thì Nhà nước phải nâng cao năng suất lao động chứ không phải là làm thêm giờ. Việc quy định thời gian làm thêm không quá 200 giờ/năm cũng để hạn chế khả năng chủ sử dụng lao động bóc lột người lao động.
Xác định mức trần thời gian hợp đồng xác định thời hạn
Không đồng tình với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng mức trần thời gian hợp đồng xác định thời hạn là 72 tháng, đa số các đại biểu đều cho rằng chỉ nên là 36 tháng và chỉ ký 2 lần loại hợp đồng này. Sau đó nếu tiếp tục làm việc tiếp thì sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) và đại biểu Nguyễn Trung Thu (đoàn Long An) cho rằng khi thiết kế hợp đồng lao động, vì nhiều lý do mà người lao động phải chấp nhận những điều họ không mong muốn. Do đó, hợp đồng lao động xác định được thời hạn vừa phải sẽ giúp người lao dộng thiết lập lại hợp đồng với những thỏa thuận quyền lợi cao hơn.
Tổng kết buổi thảo luận tại Hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục củng cố những nội dung mà đa số đại biểu đồng tình, chỉnh sửa, hoàn thiện những điểm còn có nhiều ý kiến khác nhau để Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi vào ngày 18/6.
Quốc Thanh