Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật HTX năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 (thay thế Luật HTX năm 2003) cho biết, Luật HTX 2012 đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị nguyên tắc của HTX trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật HTX năm 2012 bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tên gọi mới của dự án là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác thay cho tên Luật Hợp tác xã hiện hành là phù hợp với Nghị quyết số 20- NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16/6/2022 về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới là "kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...).
Tên gọi Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác cũng phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh bao gồm các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác đang hoạt động hiện nay là Tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, liên đoàn HTX từ đơn giản đến phức tạp, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn cấp vùng, cấp quốc gia.
Các tổ chức có cùng hoặc tương đối giống nhau về bản chất, về nguyên tắc tổ chức, quản lý, hoạt động phục vụ các thành viên. Thành viên liên kết, hợp tác dân chủ với nhau trong một tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội. Các thành viên cùng góp tài sản, góp sức lao động để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Đánh giá cao vai trò của dự thảo luật này, GS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng dự thảo luật này có nhiều điểm mới, thành công và có "tính cách mạng".
Theo ông Huệ, việc mở rộng đối tượng điều chỉnh, điều này chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giữa các chủ thể hợp tác xã (5 chủ thể là: Tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, liên đoàn HTX, trong đó HTX là nòng cốt).
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật bổ sung nhiều nội dung mới để tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác phát triển, trong đó có bổ sung chế độ kiểm toán là công cụ làm minh bạch hóa tài chính, kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật, mà còn là công cụ hỗ trợ HTX, tư vấn cho HTX làm cho đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, dự thảo Luật mở rộng nhiều quyền cho HTX, thông quá đó để thực hiện chính sách doanh nghiệp hóa hợp tác xã. Ông đánh giá cao tính cấp tiến của dự thảo luật lần này nói chung và việc mở rộng quyền cho HTX nói riêng.
Đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho rằng, cần giữ nguyên tên luật HTX như hiện nay cho phù hợp với nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, việc phân loại HTX theo quy mô siêu nhỏ, vừa và lớn cần phải phù hợp với từng lĩnh vực.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết thêm, hiện nay, trong cả nước 70% HTX là HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật này chưa có quy định xử lý đặc thù cho lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, Luật cần xem xét bổ sung quy định cho HTX nông nghiệp, hoặc Luât giao cho Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho HTX nông nghiệp.
Phát biểu tại phiên thẩm định, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục làm rõ mục đích, yêu cầu sửa đổi, bổ sung luật HTX lần này. Thứ trưởng nhấn mạnh, HTX thuộc lĩnh vực tư và nên được phép làm tất cả những điều mà pháp luật không cấm, để thỏa thuận được càng nhiều càng tốt, do đó dự thảo Luật không nên quy định quá nhiều các thủ tục phức tạp. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng thì có thể nghiên, cứu xem xét việc thay đổi tên gọi của Luật HTX hiện hành.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, về cơ bản dự thảo luật bảo đảm được tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, sự phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tính khả thi...
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát một số nội dung chính sách để cụ thể hóa trong dự thảo luật này. Tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật này với các văn bản luật khác như Bộ luật dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản… để tránh chồng chéo, mâu thuẫn...
Lê Sơn