• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính: Cần phân quyền xử phạt cho cấp sở

(Chinhphu.vn) - Một số chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cần phân quyền xử phạt cho các cơ quan chuyên môn cấp sở, từ đó giúp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

15/05/2025 13:44
Sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính: Cần phân quyền xử phạt cho cấp sở - Ảnh 1.

Đại biểu góp ý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính - Ảnh: VGP/DA

Sau 12 năm thi hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã trải qua nhiều lần sửa đổi góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy một số quy định của Luật chưa thực sự phù hợp với bối cảnh đổi mới sâu rộng trong tổ chức bộ máy hành chính và phương thức quản lý xã hội. Đặc biệt, trong điều kiện cả nước đang đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính, thu gọn đầu mối, thí điểm bỏ cấp hành chính cấp huyện.

Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn quản trị hiện đại.

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thời gian qua, Bộ đã tổ chức nhiều hoạt động lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan thực tiễn để hoàn thiện dự thảo.

Tại Hội thảo khoa học "Góp ý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính" do Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức, TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nhận định, việc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính là rất cần thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến mọi tầng lớp nhân dân. Một trong những thách thức lớn là làm sao vừa bảo đảm kỷ cương, trật tự xã hội, vừa không xâm phạm đến các quyền và tự do cá nhân.

Theo TS. Đinh Văn Minh, cần làm rõ sự khác biệt giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra; đồng thời, không nên bỏ tổ chức thanh tra cấp bộ, cấp sở mà chưa có phương án thay thế tương xứng. Bên cạnh đó, việc phân quyền xử phạt cho các cơ quan chuyên môn cấp sở sẽ giúp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Về đề xuất sửa đổi Điểm c, Khoản 1, Điều 6 của dự thảo Luật, GS.TS Vũ Công Giao (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, quy định thời hiệu xử phạt là 6 tháng kể từ khi cơ quan có thẩm quyền nhận hồ sơ nhưng không quá 3 năm kể từ khi kết thúc hành vi vi phạm là chưa hợp lý.

Việc không tính thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý vào thời hiệu có thể gây bất lợi cho người bị xử phạt, mâu thuẫn với chính lập luận trong phần thuyết minh của dự thảo. GS.TS Vũ Công Giao đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành hoặc rút gọn theo hướng thời hiệu 1-2 năm, kể cả với hồ sơ chuyển từ cơ quan tố tụng.

Sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính: Cần phân quyền xử phạt cho cấp sở - Ảnh 2.

TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) góp ý về dự thảo Luật. Ảnh: VGP/DA

Đối với đề xuất tăng mức phạt tối đa trong thủ tục xử phạt không lập biên bản, GS.TS Vũ Công Giao cảnh báo nguy cơ lạm quyền khi không có biên bản làm chứng, dễ dẫn đến thiếu minh bạch.

Việc tăng mức phạt quá cao cũng làm mờ ranh giới giữa thủ tục đơn giản và thủ tục chính thức; do đó đề nghị chỉ nên giữ mức phạt đơn giản như hiện nay, với điều kiện bắt buộc ghi nhận sự việc bằng thiết bị kỹ thuật (như camera), lưu trữ tối thiểu 3 tháng để đảm bảo tính pháp lý và phục vụ tra cứu, khiếu nại.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính Hồ Quang Huy cho biết, dự kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đây là bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách thể chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước và đổi mới cách thức quản lý nhà nước trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới.

Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương đều bày tỏ mong muốn phạm vi sửa đổi lần này cần toàn diện và sâu rộng hơn. Tuy nhiên, do quỹ thời gian ngắn và tính chất đặc biệt của luật liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nên việc sửa đổi đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm không gây xáo trộn hệ thống pháp luật hiện hành.

Diệu Anh