Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo đó, tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, trưởng ban kiểm soát và kế toán trưởng của các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (khoản 3, điều 112).
Theo Ban soạn thảo dự luật, mục đích của việc kiểm soát tài sản, thu nhập của lãnh đạo, quản lý các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, công ty đại chúng là để ngăn ngừa hành vi tham nhũng đối với các tổ chức ngoài khu vực nhà nước đã được thể hiện trong Bộ luật Hình sự 2015 (tội tham ô tài sản, hối lộ) và các hành vi khác như đưa hối lộ, môi giới hối lộ...
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc quy định như vậy là bất hợp lý, không cần thiết và bất khả thi.
Luật sư Lê Thành Kính, Trưởng văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, cho rằng doanh nhân có nhiều nguồn thu nhập (không như quan chức) và Nhà nước đã kiểm soát thu nhập của họ thông qua cơ quan quản lý thuế rồi. “Nếu muốn phòng chống tham nhũng thì nên đưa ra những quy định để hạn chế hành vi hối lộ quan chức của doanh nhân chứ đừng buộc doanh nhân kê khai tài sản vì như thế là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của họ”, ông Kính nói.
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, Văn phòng Luật sư Nghiêm và Chính, đối với chủ doanh nghiệp, họ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với người quản lý, điều hành doanh nghiệp (làm thuê), họ phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Cơ quan quản lý nhà nước đã có công cụ kiểm tra, kiểm soát. Cho nên tài sản cá nhân của họ không liên quan gì đến Nhà nước nên không cần phải bắt họ kê khai, quản ý làm gì.
“Hơn nữa, doanh nhân, doanh nghiệp làm giàu trên cơ sở vốn và trí tuệ của người ta, khác với quan chức lãnh lương và bổng lộc của Nhà nước. Nếu đánh đồng doanh nhân cũng như quan chức để quản lý về phòng chống tham nhũng như thế, tức Nhà nước sẽ hạn chế tinh thần khởi nghiệp và ham muốn làm giàu của người dân”, ông Nghiêm nói.
3 lý do chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu quy định này được thông qua, nhiều nhà quản lý và nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất e ngại và thậm chí sẽ rút khỏi Việt Nam. Không thể bắt người nước ngoài phải kê khai tài sản của họ ở nước ngoài. Như vậy, hoặc là không phải kê khai hoặc chỉ kê khai được một phần nhỏ tài sản, thì lại tạo ra sự không công bằng giữa những người quản lý là người nước ngoài và người ở trong nước (trong khi người Việt Nam phải kê khai cả tài sản, tài khoản ở nước ngoài).
“Những cái đó thực sự là điều đáng ngại, giống với một thời Nhà nước đã ra quyết định hành chính tịch thu tài sản vì cho rằng đó là tài sản bất chính”, ông Trương Thanh Đức nói.
Mặt khác, Luật sư này cho rằng việc kê khai sẽ đi đôi với việc phải công khai và nhiều yêu cầu khác về việc kiểm soát, theo dõi, xác minh giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra về tài sản và thu nhập. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc nhiều cơ quan có thể có thêm cơ sở hay tạo cớ soi lỗi, bắt bẻ, đe doạ, gây khó dễ cho người kê khai.
Ngoài ra, ông Trương Thanh Đức cho rằng điều luật trên của dự thảo đã mắc phải nhiều lỗi về nội dung và kỹ thuật soạn thảo.
Chẳng hạn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên hay Chủ tịch công ty trách nhiệm hữu hạn (theo Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng) hay Chủ tịch và thành viên Ban đại diện quỹ đầu tư chứng khoán (theo Luật Chứng khoán) không phải kê khai?
Và nếu chủ doanh nghiệp dân doanh phải kê khai tài sản, thu nhập, thì phải là tất cả chứ không thể chỉ dừng lại ở 3 loại là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư, nhất là 3 loại này đã phải thực hiện theo nhiều quy định riêng về công khai, chặt chẽ đối với quản trị, điều hành và chế độ thông tin, báo cáo…
Còn ông Phạm Hoài Huấn, giảng viên Đại học Luật TPHCM, đặt vấn đề trong bối cảnh chống tham nhũng trong khu vực công quyền chưa đáp ứng yêu cầu, có quá vội khi Luật Phòng chống tham nhũng mở rộng mục tiêu điều chỉnh sang cả lĩnh vực tư?
Ông chỉ ra ba lý do để kiến nghị trong ngắn hạn, mục tiêu của Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ nên giới hạn trong lĩnh vực công quyền.
Một là, cần phải ưu tiên hoàn thiện thể chế và môi trường đầu tư. Việt Nam đã tốn nhiều công sức và tài chính cho việc quảng bá về môi trường đầu tư. Nhưng nếu thực thi không tốt, vấn nạn tham nhũng sẽ làm cho những cố gắng trên trở thành vô nghĩa.
Hai là, vấn nạn tham nhũng công chưa được giải quyết tốt, có một phần vì năng lực thực thi pháp luật. Cho nên, mở rộng phạm vi càng làm cho việc thực thi trở nên dàn trải và kém hiệu quả.
Ba là, so với tham nhũng công, mức độ tác hại của tham nhũng tư nhân chưa phải là vấn đề cấp bách.
Thành Đạt
(tổng hợp)