Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nội dung quy định về dịch vụ tài chính phái sinh là một trong những nội dung lớn thu hút sự quan tâm tham gia đóng góp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại Quốc hội.
Nhiều ý kiến khẳng định, Luật Thuế giá trị gia tăng qua một thời gian dài thực hiện đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định với nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm hoàn thiện chính sách phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Đề án định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV.
Dự thảo luật có nhiều quy định mới góp phần quan trọng hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước, theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu.
Bên cạnh đó, một số quy định trong dự thảo luật cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ chuyển từ đối tượng không chịu thuế sang chịu thuế suất 5%, 10%, từ đối tượng hưởng thuế suất ưu đãi 5% sang chịu thuế suất 10%, đặc biệt là đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, lĩnh vực công ích, giáo dục, nghiên cứu khoa học…
Khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, mặt khác xuất phát từ yêu cầu cải cách thủ tục quản lý thuế và tạo môi trường pháp luật thống nhất, đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế cũng như việc khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, nội dung dự thảo Luật có nêu dịch vụ tài chính phái sinh quy định gồm hoán đổi lãi suất, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai... theo quy định của pháp luật.
Quy định này chưa đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, có thể gây ra cách hiểu không thống nhất trong việc áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng, bởi ngoài lĩnh vực ngân hàng, các sản phẩm, giao dịch công cụ phái sinh còn hiện diện trong các lĩnh vực chứng khoán, thương mại...
Tại điểm g khoản 9 quy định dịch vụ tài chính phát sinh bao gồm hoán đổi lãi suất, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai... theo quy định của pháp luật. Quy định này chưa đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và có thể gây ra cách hiểu không thống nhất trong việc áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng. Bởi ngoài lĩnh vực ngân hàng, các sản phẩm giao dịch, công cụ phát sinh còn hiện diện trong các lĩnh vực chứng khoán thương mại.
Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh: "Trong Luật Thuế lần này có quy định về các dịch vụ tài chính phái sinh thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, tôi rất đồng tình. Bởi lẽ, chi phí dịch vụ tài chính phái sinh không làm tăng giá trị sản phẩm lên, cho nên không thể tính vào giá bán sản phẩm".
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định, quy định như thế còn thiếu, chưa đầy đủ, chủ yếu mới dừng lại ở nhóm của các ngân hàng, còn các dịch vụ tài chính phái sinh ở lĩnh vực chứng khoán, ở các lĩnh vực giao dịch hàng hóa là chưa được đề cập đầy đủ, do vậy đại biểu cho rằng cần phải rà soát và đề cập đầy đủ vào dự án luật.
Vẫn là vấn đề nêu trên, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) có quan điểm nêu rõ, theo quy định tại Điều 64 Luật Thương mại và thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay thì dịch vụ phái sinh trong lĩnh vực thương mại bao gồm: hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn là những dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Do đó, cần bổ sung thêm dịch vụ phái sinh là "hợp đồng quyền chọn" vào điểm g khoản 9 điều 5 dự thảo Luật để bảo đảm tính đầy đủ, rõ ràng và đồng bộ với quy định của Luật Thương mại.
Bên cạnh đó, dịch vụ phái sinh không chỉ bao gồm dịch vụ trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính mà còn bao gồm trong lĩnh vực thương mại, cụ thể là quy định tại Điều 64 của Luật Thương mại. Do đó, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, có thể bỏ cụm từ "tài chính" trong điểm g khoản 9 điều 5 của dự thảo Luật để thông nhất sử dụng khái niệm "dịch vụ phái sinh" nhằm phản ánh chính xác hơn các dịch vụ phái sinh trong nhiều lĩnh vực, thay cho cụm từ "dịch vụ tài chính phái sinh".
Hải Liên