Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo quy định hiện hành tại Thông tư 06, đối tượng dự tuyển đi học nước ngoài là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; 2. Đảm bảo có đủ sức khỏe để tham gia khóa học ở nước ngoài; 3. Không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; 4. Có văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của từng chương trình học bổng tương ứng; 5. Đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của từng chương trình học bổng; 6. Trong độ tuổi theo quy định của từng chương trình học bổng; 7. Nộp đầy đủ, đúng thời hạn hồ sơ và lệ phí tuyển sinh (nếu có) theo quy định tại thông báo tuyển sinh; 8. Đáp ứng các quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức (đối với ứng viên là công chức, viên chức); 9. Đáp ứng các điều kiện cụ thể khác của từng chương trình học bổng.
Về nội dung này, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung như sau "Đối tượng và tiêu chuẩn dự tuyển: Đối tượng dự tuyển đi học nước ngoài là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật".
Dự thảo cũng nêu rõ, hồ sơ dự tuyển đi học ở nước ngoài thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 86/2021/NĐ-CP.
Trình tự thực hiện dự tuyển và tuyển chọn ứng viên theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 86/2021/NĐ-CP.
Hội đồng tuyển chọn tổ chức họp xét và thống nhất danh sách ứng viên đủ điều kiện trúng tuyển hoặc đạt yêu cầu sơ tuyển (đối với chương trình học bổng có sơ tuyển). Đơn vị chủ trì tuyển sinh hoàn thiện danh sách ứng viên đủ điều kiện trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xem xét, phê duyệt.
Quy định hiện hành tại Thông tư 06 về việc "Ứng viên xin rút không đi học" như sau: Ứng viên đã được tuyển chọn đi học nước ngoài nhưng không đi học vì lý do cá nhân phải có đơn gửi Bộ GD&ĐT xin rút không đi học. Đối với ứng viên đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương được cử đi dự tuyển, đơn xin rút không đi học phải được cơ quan công tác xác nhận.
Ứng viên đã được tuyển chọn đi học nước ngoài nhưng không đi học vì lý do cá nhân không được đăng ký dự tuyển các chương trình học bổng do Bộ GD&ĐT quản lý trong thời gian 02 năm kể từ ngày nộp đơn xin rút không đi học.
Với quy định này, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung như sau: Ứng viên đã được tuyển chọn đi học nước ngoài nhưng không đi học phải có thông báo gửi Bộ GD&ĐT và cơ quan công tác (nếu có).
Ứng viên đã được tuyển chọn đi học nước ngoài nhưng không đi học sẽ không được đăng ký dự tuyển các chương trình học bổng do Bộ GD&ĐT quản lý trong thời gian 01 năm kể từ ngày thông báo không đi học, trừ trường hợp có lý do bất khả kháng sẽ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định.
Như vậy, thời gian không được đăng ký dự tuyển các chương trình học bổng do Bộ GD&ĐT quản lý được giảm từ 2 năm xuống còn 1 năm kể từ ngày nộp đơn xin rút không đi học.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh