Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Những con đường của lòng dân
Theo sự chỉ dẫn của cán bộ UBND huyện Quảng Trạch, chúng tôi về xã Quảng Phương vào một ngày cuối năm. Gió đông bắc thổi hun hút qua những cánh đồng vừa vào vụ mới còn hăng mùi bùn đất. Bên con đường liên thôn được bê-tông phẳng phiu, đám trẻ chăn trâu chụm lại đốt lửa đuổi giá rét. Cả xã Quảng Phương đang dấy lên phong trào hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới.
Tiếp chuyện chúng tôi bên con đường vừa giải phóng mặt bằng xong, Trưởng thôn Tô Xá Nguyễn Thái Sơn cho biết, thôn hiện có 372 hộ, gần 1.700 nhân khẩu. Người đông, đất chật cho nên nhiều năm qua bà con đi lại trên những con đường chật chội, cong queo. Khi được xã quán triệt chủ trương và kế hoạch xây dựng nông thôn mới, ban cán sự thôn đã đến từng nhà tuyên truyền cho bà con hiểu chủ trương xây dựng nông thôn mới chính là để nâng cao đời sống cho người dân, làm cho bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc. Mà muốn có bộ mặt nông thôn mới thì trước hết phải bắt đầu từ con đường. Khi người dân đã hiểu được vấn đề, họ cam kết và tự nguyện hiến đất để mở rộng đường trong thôn. Nhiều người hiến đất và chấp nhận tự giải tỏa các tài sản trên đất để giao cho xã làm đường. Chủ tịch hội đồng mục vụ, giáo họ thôn Tô Xá Hoàng Văn Dụng cho biết: "Tui (tôi) là một giáo dân nhưng cũng là một công dân. Gia đình tui tự nguyện hiến một ít đất để mở rộng đường là thể hiện tinh thần, trách nhiệm đối với quê hương, làng xóm nhưng cũng là phục vụ đời sống cho chính mình mà thôi".
Từ Tô Xá, chúng tôi sang xóm 3 Pháp Kệ, trên đường đi gặp một cụ già đang phát quang khu vườn của gia đình dọc theo tuyến giao thông. Cụ dừng tay cho biết mình tên là Trần Thường, năm nay 85 tuổi, gia đình không có tiền đóng góp thì xin góp trăm mét đất vườn để cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới. Không riêng gì cụ Thường mà nhiều hộ khác ở thôn Pháp Kệ tự nguyện hiến đất, tài sản để mở rộng đường giao thông.
Chủ tịch UBND xã Quảng Phương Hồ Viết Lâm cho biết, Quảng Phương có gần 75 km đường giao thông. Nếu bỏ tiền giải phóng mặt bằng, làm đường theo quy chuẩn của nông thôn mới cho toàn bộ chiều dài này cũng phải mất chừng 60 tỷ đồng. Nhưng với sự chung tay góp công, góp sức của nhân dân địa phương, nhất là việc tự nguyện hiến đất, tài sản làm đường của bà con mà năm 2011, xã đã làm được hơn 12 km đường theo đúng quy chuẩn, làm lợi cho Nhà nước hơn năm tỷ đồng. Điều quan trọng là Tết này bà con được đi lại trên những con đường rộng mở từ... sức dân.
Nằm gần trung tâm huyện lỵ huyện Bố Trạch, nhưng hệ thống đường xã Hoàn Trạch luôn trong tình trạng "chưa nắng đã bụi, chưa mưa đã lầy". Triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Hoàn Trạch chọn đường giao thông làm khâu "đột phá" đầu tiên. Thực hiện theo quy hoạch mở rộng đường của xã, ông Nguyễn Quyết, một đảng viên cao tuổi ở thôn 6 đã tự giác hiến gần 100 m2 đất. Ông nói: "Mở rộng đường là mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cho bộ mặt của địa phương. Tất cả các hộ dân chúng tôi đều tự giác làm việc có ý nghĩa này". Anh Nguyễn Văn An ở thôn 7 cho biết, gia đình mình đã hai lần dời hàng rào vào sâu hơn với tổng diện tích đất hiến làm đường khoảng 120m2. "Nếu nói hiến đất làm đường để thực hiện xây dựng nông thôn mới là điển hình thì cả xã tôi có khoảng 95% số hộ điển hình. 5% số hộ còn lại là do không "dính" đến quy hoạch, chứ nếu có thì tôi tin họ cũng sẽ rất sẵn lòng"- anh nói vui.
Theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích đất được các hộ dân ở Hoàn Trạch hiến để làm đường là hàng chục nghìn m2. Những con đường liên thôn trở nên thoáng đãng và thẳng tắp. Hệ thống đường dọc, đường ngang được bố trí theo ô bàn cờ khiến cho những người lần đầu đến đây cũng dễ tìm đường.
Khơi gợi sức dân để xây dựng nông thôn mới
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Nguyễn Quốc Út cho biết, thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, nhiều xã ở Quảng Bình đã thu hút được nhiều nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là huy động được công sức đóng góp và phần đất hiến tặng của người dân để làm đường và xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt, đời sống. Chính sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đoàn thể trong quá trình tuyên truyền, vận động là yếu tố quan trọng để làm thay đổi nhận thức của bà con. Người dân đều tình nguyện, vô tư hiến đất mà không hề toan tính thiệt hơn. Thậm chí, trong đó có nhiều hộ nghèo, thu nhập thấp nhưng vẫn sẵn sàng hiến đất vì những lợi ích cộng đồng.
Từ thực tế của xã Hoàn Trạch, Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai chưa lâu, nhưng Hoàn Trạch đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào. Hy vọng rằng, từ kinh nghiệm của Hoàn Trạch trong việc huy động sức dân, các địa phương của huyện Bố Trạch có thêm những bài học hay, kinh nghiệm quý trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm bảo đảm đúng lộ trình đề ra.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát động sâu rộng phong trào hiến đất làm đường giao thông trong toàn tỉnh, với sự nhập cuộc tích cực của các đoàn thể và chính quyền cơ sở. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ quan tâm, hỗ trợ bằng việc ưu tiên vốn để xây dựng hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi; biểu dương, khen thưởng những cá nhân hiến đất với diện tích lớn, những địa phương làm tốt công tác vận động, huy động sức dân trong xây dựng giao thông nông thôn.
Trong năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Quảng Bình bước đầu đã có nhiều khởi sắc. Chính người dân nông thôn đang góp sức mình vào sự đổi mới của mỗi làng quê hôm nay.
Nhân dân