Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
* Phác thảo chiến lược phát triển thành nền nông nghiệp hàng đầu thế giới
Nhìn lại năm 2021 ngành chăn nuôi của Hà Nội cũng như các ngành khác đứng trước thách thức khó khăn lớn do nguy cơ tái phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội phải lùi lịch triển khai hàng loạt các hoạt động chuyên môn như tiêm phòng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, một số cơ sở giết mổ tập trung phải tạm dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhất là sản xuất thức ăn, hỗn hợp đậm đặc dẫn đến giá nguyên liệu liên tục tăng cao trên 30%. Trong đó thị trường nội địa cung cấp đáp ứng khoảng từ 15-20% so với nhu cầu sản xuất còn lại phải nhập từ nước ngoài. Mặt khác Thành phố đã có quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung song việc triển khai phát triển còn gặp nhiều khó khăn. Còn có nhiều trang trại chăn nuôi phát triển theo hướng tự phát. Trong sản xuất các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết còn chưa nhiều, lượng sản xuất và quy mô còn nhỏ chưa đáp ứng tiềm năng lợi thế của Thủ đô.
Khó khăn là vậy song ngành chăn nuôi của Thủ đô luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự cố gắng nỗ lực của người chăn nuôi, của hệ thống thú y cơ sở từ Thành phố đến các xã thị trấn, ngành chăn nuôi vẫn có những chuyển biến đáng ghi nhận cả về số lượng và chất lượng. Đến nay trên địa bàn Thành phố có 7.528 chăn nuôi trang trại quy mô lớn, vừa, nhỏ. Với quy mô đàn tiếp tục có bước tăng với đàn trâu 27.500 con tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020; đàn bò 130.500 con, tăng 0,1% so với cùng kỳ; đàn lợn 1,37 triệu con tăng 09% so với cùng kỳ; đàn gia cầm là 39,9 triệu con, tăng 2,1% so với cùng kỳ…
Vì vậy, để phát triển ngành chăn nuôi hiệu quả và bền vững, việc tái cơ cấu ngành là vô cùng quan trọng. Hà Nội phấn đấu phát triển chăn nuôi bò và lợn để tăng giá trị gia tăng trong nông nghiệp, giữ ổn định trong chăn nuôi trâu và gia cầm. Trong đó, phát triển đàn trâu 27.000-28.000 con, đàn bò khoảng 135.000 con. Phấn đấu sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt khoảng 12.000-13.000 tấn (tập trung nâng cao chất lượng). Tập trung phát triển đàn bò trên địa bàn các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mê Linh, Mỹ Đức. Phát triển đàn đàn lợn khoảng 1,6-1,8 triệu con và giữ ổn định đàn gia cầm 40 triệu con (chủ yếu nâng cao chất lượng không phát triển số lượng)…
Về các giải pháp, Hà Nội sẽ tập trung vào cơ cấu lại chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm với các đối tượng nuôi chủ lực. Phát triển 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa (tại các huyện Ba Vì, Quốc Oai ...); 19 xã chăn nuôi bò thịt (tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Mê Linh, Gia Lâm, Sơn Tây...); 13 xã chăn nuôi lợn; 29 xã chăn nuôi gia cầm với 7.528 trại/trang trại chăn nuôi lớn, vừa, nhỏ. Về chất lượng đàn gia súc, gia cầm hiện nay được cải thiện đáng kể do Hà Nội có các chính sách về hỗ trợ phát triển con giống.
Bên cạnh đó thực hiện cơ cấu lại giống và nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi. Theo ông Sơn, những năm gần đây, Hà Nội tập trung sản xuất con giống bằng việc đưa những giống mới chất lượng cao vào sản xuất bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đã mang lại hiệu quả cao. Các giống bò thịt chất lượng cao (BBB, Wagyu, Angus...) chiếm khoảng trên 30%. Sản xuất giống gia cầm, hình thành 9 vùng phát triển chăn nuôi gà tập trung quy mô lớn: 4 vùng chăn nuôi gà đẻ, gà thịt công nghiệp với trên 4 triệu con; 2 vùng chăn nuôi gà thả vườn với gần 900.000 con; 3 vùng chăn nuôi vịt với trên 733.000 con. Nâng cao năng suất sinh sản đàn vật nuôi bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến thụ tinh nhân tạo, tiến tới phương thức cấy truyền phôi, nhân giống có năng xuất chất lượng, để cải thiện đàn sinh sản.
Cùng với đó là việc cơ cấu lại phương thức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị thông qua việc duy trì và phát triển 52 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hằng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn thịt các loại; 300.000 quả trứng và 78 tấn sữa. Đồng thời tập trung thu hút các doanh nghiệp sản xuất gắn kết với các trang trại chăn nuôi để cùng đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm, ký kết hợp tác với các tỉnh, thành phố bảo đảm mục tiêu về tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Cơ cấu lại hệ thống giết mổ, sơ chế sản phẩm gia súc, gia cầm: để có thể quản lý tốt nhất cơ sở giết mổ tập trung và hạn chế giết mỏ nhỏ lẻ trong khu dân cư, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung gắn với sơ chế, chế biến sâu tại 29 điểm đã được Thành phố phê duyệt.
Cơ cấu lại công tác quản lý chăn nuôi thú y qua việc tiếp tục kiện toàn tổ chức cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi thú y, duy trì hệ thống quản lý chăn nuôi thú y từ cấp thành phố đến xã, phường, thị trấn. Thực hiện tốt các giải pháp về giám sát, tiêm phòng, vệ sinh môi trường để đảm bảo an toàn dịch bệnh động vật. Kịp thời phát hiện khống chế, ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm nhất là các bệnh mới, chủng mới xuất hiện thời gian qua (dịch tả lợn châu Phi, Viêm da nổi cục, Cúm A/H5N8, A/H5N9 ...). Tập trung xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để bảo đảm cho việc xuất nhập gia súc gia cầm trên địa bàn được thuận lợi.
Đồng thời làm tốt hơn công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm trong lĩnh vực phát triển chăn nuôi, xây dựng trang trại, khai báo chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp các ngành, người chăn nuôi người tiêu dùng chủ động thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh ngay từ cơ sở, từng bước đưa Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm vào thực tiến sản xuất.
Thiện Tâm