Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu. |
Ngày 28/2, các chùm proton đã bắt đầu di chuyển trong đường hầm dài 27 km, ở độ sâu 100 m dưới mặt đất tại khu vực biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ. Sau đó, với sự hỗ trợ của hàng nghìn thanh nam châm siêu dẫn (có tổng chiều dài hơn 22 km), các các nhà khoa học sẽ tăng dần dần vận tốc của những chùm proton này để chúng đạt tới vận tốc bằng tốc độ ánh sáng.
Các nhà khoa học hy vọng LHC sẽ thực hiện cú va chạm giữa các hạt proton với mức tạo năng lượng lên đến 7 Teraelectrovolt (TeV, tức điện tử vôn), để mô phỏng điều kiện trong trạng thái sơ khai nhất của vụ nổ lớn trong vũ trụ (Big Bang). Tháng 12 năm ngoái, LHC đã thực hiện cú va chạm với mức tạo năng lượng là 2,36 TeV.
LHC là chiếc máy gia tốc hạt hiện đại lớn nhất và cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới, được thiết kế để tạo va chạm trực diện giữa các tia proton với động năng cực lớn. LHC được khởi động lần đầu vào ngày 10/9/2008. Tuy nhiên, chỉ sau đó 9 ngày, LHC gặp sự cố về điện và các chuyên gia phải mất 14 tháng để khắc phục với chi phí 40 triệu USD. Ngày 20/11 năm ngoái, các nhà khoa học đã khởi động thành công LHC và thực hiện thí nghiệm đầu tiên, sau đó máy lại được nghỉ bảo dưỡng một thời gian.
Ai Cập: Tìm thấy phần đầu tượng Vua Amenhotep III
Ngày 28/2, Hội đồng Tối cao về Cổ vật Ai Cập cho biết các nhà khảo cổ học đã tìm thấy phần đầu của bức tượng Vua Amenhotep III tại phế tích đền thờ ông ở bên bờ sông Nile, thuộc thành phố Louxor, phía Nam Ai Cập. Vua Amenhotep III là vị pharaoh thứ chín của Vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại thời Tân Vương quốc, một thời kỳ vàng son trong lịch sử Ai Cập. Ông trị vì từ năm 1387 đến năm 1348 trước Công nguyên.
Phần đầu nói trên được làm bằng đá hoa cương (granit) đỏ và là một phần của bức tượng lớn được tìm thấy cách đây nhiều năm. Phần đầu này có chiều cao bằng một người bình thường và được tìm thấy trong tình trạng nguyên vẹn hơn cả so với các hiện vật khảo cổ phần mặt của Vua Amenhotep III được tìm thấy từ trước tới nay.
Bão Xynthia hoành hành ở Tây Âu khiến gần 60 người thiệt mạng
Sau khi hoành hành ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, bão Xynthia đã đổ bộ vào bờ Tây nước Pháp. Tính đến ngày 28/2, bão đã làm ít nhất 45 người thiệt mạng, gần 10 người mất tích và hơn 100 người bị thương ở Pháp. Hầu hết các nạn nhân bị chết đuối do mực nước tăng nhanh đột ngột trong đất liền, hoặc bị thiệt mạng do cây đổ, tường sập.
Với sức gió đôi khi lên đến 160km/h, Xynthia được coi là con bão mạnh nhất tràn vào Pháp kể từ năm 1999 trở lại đây. Các tỉnh miền Tây, dọc bờ biển Đại Tây Dương là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bão kéo theo mưa lớn gây ra tình trạng lụt lội trên một diện rộng, nhiều nơi ngập đến trên 1,5m khiến đường xá, nhà cửa, tài sản bị phá hủy nặng nề, nhiều đoạn đê điều bị sạt lở. Hơn một triệu người đang trong tình trạng không có điện, giao thông bị gián đoạn, các hoạt động công cộng bị ngưng trệ.
Chính phủ Pháp đã tuyên bố thảm họa quốc gia và sẽ yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) trích ngân sách giúp đỡ.
Tại Đức, bão Xynthia cũng khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, mà nguyên nhân là do cây đổ khi gió quá mạnh.
Trong khi đó, tại Thụy Sĩ, bão Xynthia đã gây ra tuyết lở, làm 2 người trượt tuyết thiệt mạng và 5 người bị thương. Bão Xynthia cũng ảnh hưởng tới Hà Lan và Bỉ.
Israel trang bị mặt nạ phòng độc cho người dân
Ngày 28/2, Israel đã bắt đầu phát những chiếc mặt nạ phòng hơi độc mới để bảo vệ 7 triệu người dân nước này trước một vụ tấn công hóa học tiềm tàng. Cơ quan bưu chính nước này đang thực hiện phân phát thiết bị nói trên và tiến trình này sẽ mất khoảng 3 năm.
Trong quá khứ, bắt đầu từ cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, Israel đã phân phát mặt nạ phòng độc và thuốc giải độc cho người dân. Tuy nhiên, ba năm trước, Israel quyết định thu hồi những chiếc mặt nạ này sau khi một số bộ phận đã quá hạn sử dụng.
Nguyễn Chiến