Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chỉ trong tháng 3/2017, chi cục quản lý thị trường tại 18 địa bàn trọng điểm đã ra quân xử lý 966 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu. Ảnh minh họa |
Các chi cục cũng đã tạm giữ, tịch thu 40.176 lít rượu, 1.431 chai rượu các loại, 2 can, 17 bình rượu, 2 chum rượu ngâm 67 kg, 4,9 kg men rượu và 59 vỏ chai rượu. Một số vụ việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, qua báo cáo của tỉnh Quảng Ninh và Kon Tum có thể thấy được một số khó khăn của các đoàn kiểm tra như: Đa số các hộ dân sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ, một số hộ dân nấu rượu kết hợp với việc sử dụng phụ phẩm để chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập là chủ yếu, nên không chú trọng đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với sản phẩm rượu. Cùng với đó, do việc sản xuất diễn ra không thường xuyên, khiến cho công tác kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều địa phương chưa được bố trí nguồn ngân sách cho công tác quản lý ATVSTP, nên công tác kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm hoặc lấy mẫu test nhanh hàm lượng methanol có trong rượu chưa được thực hiện đầy đủ.
Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu chưa chấp hành nghiêm túc về thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước, gây khó khăn trong công tác tổng hợp, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.
Đối với công tác quản lý, tại địa phương thiếu cán bộ chuyên trách, nên việc hướng dẫn, vận động cơ sở chưa được thường xuyên, thiếu sâu sát, trong khi đó, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu chủ yếu nhỏ lẻ, phân bố rải rác.
Ngày 10/3/2017, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 371/CĐ-TTg về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý ATVSTP đối với sản phẩm rượu. Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý ATVSTP.
Theo đó, Bộ đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Bộ Công Thương cũng yêu cầu chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATVSTP. |
Phan Trang