Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kỷ niệm 97 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022)
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”; “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng…” Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, trong 97 năm qua, đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách bám sát nhiệm vụ chính trị; đồng hành với cả nước trong phát triển kinh tế-xã hội và có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đề cập đến vai trò của báo chí trong giai đoạn hiện nay, PGS.TS .Trương Ngọc Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết báo chí nói chung và báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội. Báo chí chính là công cụ tuyên truyền của Đảng, Nhà nước và là tiếng nói của nhân dân.
Đặc biệt, trong xu thế dân chủ hóa xã hội ngày càng cao, vai trò của báo chí tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như tiếng nói của nhân dân. Đồng thời, báo chí giữ vai trò quan trọng trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nhất là truyền thông chính sách. Qua đó, các quan điểm, chủ trương, chính sách đến với đông đảo nhân dân.
"Báo chí hiện nay thực hiện vai trò này rất tốt", PGS.TS Trương Ngọc Nam khẳng định.
Bên cạnh đó, theo ông Trương Ngọc Nam, báo chí đã phản ánh đời sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân hiệu quả thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó tạo sức lan tỏa rất lớn đến với xã hội và nhất là cũng qua báo chí, Chính phủ hiểu dân, gần dân hơn.
Báo chí là một kênh thông tin rất tốt để Chính phủ có thể lắng nghe được tiếng nói của nhân dân, trên cơ sở đó có thể nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các hoạt động quản lý của Chính phủ.
Mỗi nhà báo là một chiến sĩ cách mạng, trong bất kỳ giai đoạn nào, tâm nguyện của người làm báo chính là phục vụ cho lợi ích của nhân dân, cùng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đồng hành cùng Chính phủ phát triển kinh tế-xã hội, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước...
Cũng theo PGS.TS. Trương Ngọc Nam, có nhiều cơ quan báo chí đã làm rất tốt vai trò đó của mình trong việc phản ánh thông tin xã hội; truyền đạt, truyền bá các tư tưởng, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, như Cổng TTĐT Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ là một trong những đơn vị tiêu biểu.
Báo chí cũng phản ánh được tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, nhất là trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
"Có thể nói báo chí đã tạo ra môi trường để kiểm soát quyền lực, giám sát việc thực hiện nguyện vọng, ý chí của nhân dân", PGS.TS. Trương Ngọc Nam nói.
Theo PGS.TS. Trương Ngọc Nam, đại dịch COVID-19 vừa qua là một "liều thuốc thử" để đánh giá năng lực quản lý của Nhà nước, năng lực quản trị khủng hoảng của Chính phủ và báo chí đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ và đồng hành với hệ thống chính trị cùng toàn dân vào cuộc chống dịch. Điều này đã chứng minh báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng khi không chỉ phản ánh đời sống, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh mà còn phản ánh được nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong phòng chống dịch và hiệu quả của nó đối với xã hội.
"Cá nhân tôi rất cảm động với hình ảnh những phóng viên đã không quản nguy hiểm đến tính mạng xông pha vào những điểm nóng hay vùng tâm dịch… Đó chính là sự cống hiến rất lớn của báo chí cho sự nghiệp cách mạng nói chung cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng", PGS.TS. Trương Ngọc Nam chia sẻ.
PGS.TS. Trương Ngọc Nam cho rằng báo chí có vai trò rất lớn trong việc góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, chúng ta phải đề xuất giải pháp để báo chí có thể tham gia vào tất cả các giai đoạn xây dựng chính sách một cách hiệu quả hơn nữa. Trong đó, báo chí phải đưa những thông tin chính thống, ý kiến của những người sẽ chịu tác động của chính sách, pháp luật và nói lên tâm tư, nguyện vọng của họ để Quốc hội, Chính phủ có những chủ trương chính sách, pháp luật phù hợp.
Bên cạnh đó, báo chí có thể tham gia quá trình xây dựng và triển khai thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước và truyền tải chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với xã hội, đến với đời sống nhân dân.
Báo chí phải bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để phản ánh kịp thời những cái đúng, cái tốt và chỉ ra được, phản ánh được những điểm còn hạn chế, khuyết điểm, tiêu cực, bất cập để từ đó giúp công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của Nhà nước nói chung và của Chính phủ nói riêng đạt hiệu quả và phù hợp nhất với nguyện vọng của nhân dân.
Theo PGS.TS Trương Ngọc Nam, một chính sách được đưa ra không thể chính xác, đầy đủ, trọn vẹn hoàn toàn… Vì vậy, những người làm báo phải bám sát đời sống nhân dân, đời sống xã hội để phản ánh quá trình thực hiện chính sách xem hiệu quả đến đâu, hạn chế thế nào và thông tin đến cấp thẩm quyền nhanh nhất.
Theo PGS.TS. Trương Ngọc Nam, trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, Cổng TTĐT Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ có nhiệm vụ rất quan trọng, vì đây là một kênh công cụ để truyền thông về chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, trong đó có việc giải thích rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, xã hội.
Bên cạnh đó, Cổng TTĐT Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ còn đóng vai trò tiếp thu, phản ánh ý kiến nguyện vọng của nhân dân và chuyển tới các cấp thẩm quyền. Từ đó, các cơ quan điều hành, quản lý có thể xác định được những bất cập trong chính sách và sẽ có giải pháp điều chỉnh nhằm đạt được hiệu quả trong công cuộc phục vụ nhân dân.
Theo ông Trương Ngọc Nam, Cổng TTĐT Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ chính là một kênh truyền dẫn tốt nhất, hiệu quả nhất chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến nhân dân và thời gian qua kênh thông tin chính thống của Chính phủ đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ, vai trò của mình.
Bên cạnh đó, Báo Điện tử Chính phủ nói riêng là một đơn vị báo chí triển khai rất tốt các vấn đề về chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến với nhân dân thông qua các hình thức truyền thông như kênh Thông tin Chính phủ, truyền thông đa phương tiện, các bài báo phân tích, phản ánh, ý kiến chuyên gia...
Đồng thời Báo Điện tử Chính phủ cũng là kênh kết nối, tổ chức những cuộc tọa đàm, đối thoại của thành viên Chính phủ... Từ đó đưa tiếng nói của Chính phủ đến người dân; cung cấp thông tin chính thống và định hướng dư luận đúng đắn.
Thiện Tâm