Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Năm 2010 cả nước có 4.127 nghìn ha đất trồng lúa chiếm 12,47% diện tích đất tự nhiên và 15,75% diện tích đất nông nghiệp. Đất chuyên trồng lúa nước có 3.302 nghìn ha, đất trồng lúa nước khác còn lại 703 nghìn ha, đất lúa nương 122 nghìn ha. Cân nhắc để sử dụng đất bờ xôi ruộng mật tối ưu, bảo vệ đất trồng lúa không chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp là vấn đề được các địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai đặc biệt quan tâm.
Pháp luật về đất đai quy định Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất chuyên trồng lúa nước.
Phải nhấn mạnh điều này vì trong giai đoạn 5 năm 2005-2010, diện tích trồng lúa của cả nước giảm 37nghìn ha. Diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi hầu hết là vùng đất tốt, có điều kiện thuận lợi cho canh tác, trong khi các diện tích đất đền bù là đất xấu, cách xa khu dân cư và điều kiện hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân giảm chủ yếu do chuyển sang các loại đất phi nông nghiệp như công trình công cộng, phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn hoặc đất sản xuất kinh doanh và các loại đất nông nghiệp khác, như đất trồng rau màu hoặc trồng cây công nghiệp, trồng cây cảnh, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản.
Nói như GS.TS. Nguyễn Lân Dũng, trên Quốc lộ 5, thuộc địa phận các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đến nay, ven đường thay vì những cánh đồng lúa xanh tốt hiện đã mọc kín san sát các nhà máy, khu công nghiệp. Điều này có nghĩa là chúng ta đã không chuẩn bị trước cho các nhà đầu tư về nơi đến mà toàn để cho họ tự đi chọn, toàn nhằm vào những chỗ "bờ xôi ruộng mật" để bê tông hóa chúng.
Đất xét về lý tính có 3 loại, một loại là các hạt rất to gọi là cát; một loạt hạt rất nhỏ, gọi là sét; loại đất trồng trọt có các hạt vừa phải nhờ đó mới có thể giữ nước, giữ thức ăn, giữ không khí trong đất. Người ta gọi đó là đất có cấu tượng. Để có các hạt đất như vậy, cần có sự hoạt động liên tục của vi sinh vật qua hàng nghìn năm để tạo ra được chất mùn làm liên kết các hạt đất lại thành đất có cấu tượng. Chất mùn còn được vi sinh vật phân giải dần dần để giải phóng thức ăn cho cây trồng. Phân khoáng nhờ kết hợp với chất mùn mà không dễ dàng bị rửa trôi xuống các lớp đất sâu. Đất có cấu tượng chính là đất mà nông dân ta vẫn gọi là Bờ xôi, Ruộng mật. Nó quý giá vô cùng. Nó nuôi sống dân ta lâu dài cùng với sự phát triển của dân số.
Việc chuyển diện tích đất trồng lúa, đặc biệt là đất lúa có khả năng nông nghiệp cao sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp chưa được cân nhắc kỹ lưỡng trong khi hầu hết khu công nghiệp, khu đô thị tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam… đều sử dụng đất bờ xôi ruộng mật. Và thực tế nhiều diện tích đất đã bị thu hồi, san lấp mặt bằng nhưng vẫn bỏ hoang, không xây dựng công trình.
Cần nói thêm rằng, so với năm 2005, diện tích đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã tăng 47 nghìn ha, bình quân mỗi năm tăng thêm 9,4 nghìn ha và tăng chủ yếu ở vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các khu công nghiệp phân bố ở 58 tỉnh, thành phố trên cả nước, diện tích đất đã cho thuê là 19,8 nghìn ha song tỷ lệ lấp đầy bình quân chỉ đạt gần 51%.
Đây là thực tế đặt ra đòi hỏi phải luật hóa các quy định của Nghị định 69 của Chính phủ về nội dung quy hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý của từng cấp, bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…Cân đối quỹ đất đáp ứng nhu cầu xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, khu kinh tế. Sửa đổi quy định về công tác kiểm tra, giám sát việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất là khâu quyết định để hiện thực hóa các ý đồ phát triển. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa, đất có rừng sang sử dụng vào mục đích khác nhằm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái
Do thực tế nước ta hiện không còn quỹ đất nông nghiệp để giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng không thu tiền sử dụng đất. Vì vậy cần bỏ quy định tại khoản 1, điều 33 của Luật Đất đai.
Thanh Như