Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 3/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Dự kiến, dự án luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại kỳ họp thứ 7.
Góp ý cho dự luật, đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) nhất trí quy định bổ sung áp dụng công tác cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ như quy định dự thảo luật (điểm h, khoản 3, Điều 1). Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc quy định tại điều này.
"Tôi cho rằng, công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường, ngoài việc bảo đảm an ninh an toàn cho đối tượng cảnh vệ, công tác này còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Do đó, tuỳ tình hình an ninh trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể, giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ (thường là trong phạm vi, thời gian nhất định, cho từng đối tượng) là phù hợp" – đại biểu Thành phát biểu.
Ông Lê Nhật Thành cũng cho rằng thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, công tác cảnh vệ nói riêng đòi hỏi pháp luật phải có những quy định linh hoạt để kịp thời điểu chỉnh.
Thực tế lực lượng cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra, hoặc theo đề nghị của bộ, ban, ngành, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, không thuộc đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Điều 10 luật hiện hành.
Thống kê của Cơ quan chủ trì soạn thảo cho thấy, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ đối với 57 đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ để kịp thời giải quyết các yêu cầu do thực tiễn đặt ra.
"Do vậy, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của công tác cảnh vệ, việc giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp cụ thể là cần thiết và phù hợp", ông Thành nêu ý kiến.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) đánh giá, công việc cảnh vệ nhiều yếu tố bất ngờ, khó lường trước; mặt khác, công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đối ngoại có những yêu cầu phát sinh trong thực tiễn, do đó, việc bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết là phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) lại tán thành với việc dự luật bổ sung thêm một số chức danh là đối tượng cảnh vệ để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. "Tôi đồng tình bổ sung các chức danh: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao vào đối tượng cảnh vệ, quy định như vậy là phù hợp, kịp thời thể chế hoá các chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với các chức danh lãnh đạo cấp cao theo Kết luận số 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở", đại biểu Nguyễn Hải Anh nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Hồng Luyến (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ tại điểm b, điểm c, khoản 3, Điều 1 nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng, nhất là Kết luận số 35 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. "Việc bổ sung 3 chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị", nữ đại biểu bổ sung.
Theo đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông), cảnh vệ là lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, yêu cầu rất cao về áp lực công việc để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. Do đó, cần phải quan tâm, có các chế độ, chính sách thoả đáng như tiền lương, nhà ở... đảm bảo các điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, công nghệ, trang bị vũ khí, khí tài, thiết bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác.
"Để đảm bảo chính sách đối với lực lượng cảnh vệ và yêu cầu công tác cảnh vệ, ngoài vai trò, trách nhiệm của Chính phủ còn có trách nhiệm các cơ quan có liên quan, ví dụ như, Quốc hội ban hành các luật nhằm xây dựng lực lượng cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đảm bảo vũ khí, phương tiện kỹ thuật...", đại biểu nêu và đề nghị cần rà soát, định hình các chính sách mới đối với lực lượng cảnh vệ thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.
Tại phiên thảo luận, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng điều hành hoạt động Bộ Công an đã thay mặt Cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến để khẳng định tính cấp thiết, sự cần thiết sửa đổi luật; bổ sung thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cảnh vệ, quy định rõ hơn về đối tượng cảnh chế, chế độ và biện pháp cảnh vệ, bố trí lực lượng cảnh vệ, nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng cảnh vệ và điều kiện đảm bảo thực hiện công tác cảnh vệ...
Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho rằng, quá trình xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, Cơ quan soạn thảo đã chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động, tạo cơ sở cho việc đề xuất nội dung, quy định trong dự thảo luật đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa, đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Hải Liên