Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Nguyễn Viết Toàn, để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và để đảm bảo tiến độ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP theo kế hoạch đề ra, đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí OCOP, thời gian qua, huyện Tân Yên đã yêu cầu cơ quan chuyên môn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ thể thiết lập, hoàn thiện hồ sơ đảm bảo theo quy định của Bộ tiêu chí đối với các nhóm sản phẩm; chủ động liên hệ với thành viên Tổ giúp việc Hội đồng OCOP tỉnh Bắc Giang để tư vấn, hỗ trợ trực tiếp các chủ thể trong quá trình hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.
Bên cạnh đó hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ về chỉ tiêu bảo vệ môi trường theo quy định; thiết lập hồ sơ đề nghị cấp cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thẩm định điều kiện sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực ngành phụ trách. Hướng dẫn chủ thể hoàn thiện hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm theo yêu cầu, đảm bảo thời gian theo kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023.
Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân, các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2023 chủ động hoàn thiện sản phẩm. Cùng với đó là triển khai hướng dẫn, trợ giúp cho các chủ thể hoàn thành câu chuyện sản phẩm dưới dạng tờ rơi, đăng tải trên video, công bố chất lượng sản phẩm; cung cấp bổ sung các hình ảnh đặc trưng tuyên truyền về sản phẩm.
Hiện nay, huyện Tân Yên có rất nhiều sản phẩm OCOP nổi tiếng, trong đó tiêu biểu là sản phẩm sâm Nam núi Dành với giá trị kinh tế. Thời gian qua, huyện đã triển khai đề án "Phát triển sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022-2027". Hiện Tân Yên có 82 ha trồng sâm tập trung thành vùng sản xuất tại các xã Việt Lập, Liên Chung, An Dương, Quang Tiến. Các xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân, hợp tác xã mở rộng diện tích, phấn đấu hết năm 2023 trồng mới thêm 31 ha. Trong năm 2022, sản phẩm củ sâm Nam núi Dành đã được thu (từ 3-5 năm tuổi) khoảng 3,7 tấn, giá bán từ 1,5-2 triệu đồng/kg; hoa sâm khô đạt 5,5 tấn, giá bán từ 0,8-1 triệu đồng/kg; hiệu quả kinh tế đạt hơn 6 tỷ đồng/ha/chu kỳ sản xuất.
Riêng tại xã Liên Chung có nhiều sản phẩm OCOP mang đậm bản sắc văn hóa, đặc trưng của vùng. Thời gian qua, để triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, xã Liên Chung đã bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, huyện, đồng thời không ngừng nỗ lực, sáng tạo và phát huy tiềm năng lợi thế để xây dựng thành công nhiều mô hình, sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế. Hiện xã có 3 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên: Nụ hoa sâm Nam núi Dành khô của Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung đạt OCOP 4 sao, nem nướng Liên Chung của Hợp tác xã Nem nướng Liên Chung đạt OCOP 4 sao, tương Liên Chung của Công ty TNHH LC Food đạt OCOP 3 sao.
Đối với sản phẩm nem nướng, theo ông Nguyễn Thế Hải, Giám đốc Hợp tác xã Nem nướng Liên Chung, đây là một món ăn truyền thống, mang đặc trưng vùng miền gắn bó nhiều đời nay với người dân Liên Chung. Sản phẩm có nguyên liệu chính từ thịt lợn được tuyển chọn kỹ càng, trộn với thính gạo tẻ rang giã nhỏ rồi ủ chua, kết hợp với hương vị đặc trưng của lá ổi bánh tẻ, hạt tiêu, lá chuối. Với nét đặc trưng và là món ăn có từ lâu đời, nhất là sau khi đạt chứng nhận OCOP, nên sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến. Hiện nay, trung bình hợp tác xã sản xuất và cung ứng ra thị trường từ 5-6 tấn/tháng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 17-20 lao động với thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Thiện Tâm