Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng ngày 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp tập trung vào chủ đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cũng tại phiên họp, các cơ quan đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).
Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đã trình bày báo cáo cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
The Bộ trưởng, Chủ nhiệm, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp với nguyên tắc "Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy". Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược, chương trình về cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Báo cáo nhấn mạnh một số kết quả nổi bật về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số; về chuyển đổi số trong thực hiện TTHC; về phân cấp trong giải quyết TTHC, đơn giản hóa TTHC nội bộ.
Trong đó, về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, các quy định kinh doanh đã được thống kê, hệ thống hóa tập trung trên môi trường điện tử, tạo lập cơ sở dữ liệu quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (gọi tắt là quy định kinh doanh). Đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định về kinh doanh, gần 150 quy định chuẩn bị ban hành và cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Đồng thời, các bộ, ngành đã tích cực triển khai việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10, bộ, cơ quan, theo đó phải sửa đổi, bổ sung 197 văn bản QPPL, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 396 quy định kinh doanh tại 54 văn bản QPPL. Một số bộ, cơ quan thực hiện tốt như: Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế, Thông tin và Truyền thông...
Về thiết lập kênh tương tác 2 chiều và tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, đến nay, đã có 153 quy định kinh doanh dự kiến ban hành tại 29 dự thảo văn bản QPPL và 50 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh được lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp.
Hơn 30 hiệp hội doanh nghiệp đã đăng ký tài khoản, gửi ý kiến góp ý đối với các dự thảo văn bản QPPL, phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh tới các bộ, ngành. Một số bộ, ngành tích cực tham vấn trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước…
Về chuyển đổi số trong thực hiện TTHC, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được đẩy mạnh. Đến nay, có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, tăng 4 lần so với tháng 9/2022. Một số bộ, địa phương đã triển khai tốt công tác này như: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Lâm Đồng…
Đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến... Đến nay, đã có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia… Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6 triệu tài khoản đăng ký, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022; hơn 186 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022; hơn 12,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022; hơn 7,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành theo cơ chế một cửa với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia. Kết quả này có sự đóng góp, tổ chức triển khai tích cực, hiệu quả của nhiều bộ, ngành, địa phương.
Việc thí điểm 2 dịch vụ công liên thông "đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" và "đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí" được tích cực triển khai tại 2 địa phương (Hà Nội và Hà Nam). Văn phòng Chính phủ đã ban hành quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm dịch vụ công liên thông để triển khai thống nhất trên toàn quốc.
TTHC đã được công khai, minh bạch; tạo thuận lợi cho người dân giám sát. Đến nay, đã công khai hơn 6.400 TTHC. Nhiều bộ, ngành, địa phương định kỳ háng tháng công khai danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm muộn trong giải quyết TTHC, dịch vụ công, 100% hồ sơ TTHC để chậm, muộn có báo cáo giải trình với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện xin lỗi người dân.
Về công tác chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công đã được đưa vào vận hành chính thức từ ngày 1/8/2022. Một số địa phương đã tích cực khai thác Bộ chỉ số để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành tại địa phương mình như: Bình Định, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Hà Nam, Kon Tum, Yên Bái…
Đề án 06 được triển khai đã giúp tạo đột phá trong phát triển công dân số, phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử, tăng gần 2,9 triệu thẻ so với năm 2022; kích hoạt trên 6 triệu tài khoản định danh điện tử (VNeID); hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của 13 bộ, ngành, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương.
Thực hiện Luật Cư trú và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát 48 thông tư, quyết định, văn bản thuộc thẩm quyền và thực hiện công bố, công khai, hướng dẫn thực hiện TTHC có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận tại nơi cư trú.
Về phân cấp trong giải quyết TTHC, đơn giản hóa TTHC nội bộ, để rút ngắn thời gian giải quyết TTHC của cơ quan hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 phê duyệt phương án phân cấp 699 TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Đến nay, đã thực hiện phân cấp 81 TTHC tại 15 văn bản QPPL. Nhiều bộ, ngành đã triển khai tốt nhiệm vụ này như Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Việc đơn giản hóa TTHC nội bộ gắn liền với ứng dụng CNTT, tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang rà soát, ban hành danh mục TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý; các bộ, cơ quan ngang bộ đã tập trung rà soát, đơn giản hóa đối với 59 nhóm TTHC trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022. Đến nay, một số bộ, địa phương đã ban hành Quyết định công bố danh mục TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý.
Việc gửi, nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử và chuẩn hóa báo cáo là bước số hóa quan trọng phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trong nội khối hành chính nhà nước. Đến nay đã có hơn 21 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia; việc khai thác sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia giúp tiết kiệm 1.200 tỷ/năm. Hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đã chú trọng việc chuẩn hóa báo cáo theo yêu cầu. Đến nay, có 69/179 chế độ báo cáo được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Hệ thống theo dõi, đánh giá nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu phục vụ chỉ đạo, điều hành, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.
Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai
Bên cạnh đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cũng nêu nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác này. Theo đó, TTHC trên nhiều lĩnh vực còn nhiều rào cản (nhất là những TTHC trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước, TTHC về đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư công, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng, lý lịch tư pháp, tài chính ngân sách…); 19 nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư chưa hoàn thành việc thực thi.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm. Một số bộ chưa trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Một số bộ, ngành, địa phương chưa khai thác hiệu quả Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, chưa tích cực phản hồi ý kiến của người dân, doanh nghiệp.
Việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm; tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, còn tình trạng làm thay, làm hộ người dân nộp hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử. Việc áp dụng chữ ký số công cộng đối với người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến chưa cao.
Việc gửi, nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại một số bộ, ngành còn chưa nghiêm; chưa quan tâm đúng mức đến công tác chuẩn hóa, điện tử hóa chế độ báo cáo và cung cấp thông tin, dữ liệu điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành.
Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, thiếu chủ động, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức; đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác,… dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; làm suy giảm niềm tin trong doanh nghiệp, người dân đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Các hệ thống CNTT chưa đồng bộ và mức độ sẵn sàng về ứng dụng CNTT giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đồng đều; việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế. Còn tồn tại tình trạng "cát cứ thông tin". Việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mực. Nguồn lực cho việc triển khai còn gặp khó khăn; quy định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được sửa đổi; công tác thông tin, truyền thông trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp chưa được coi trọng.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, trên cơ sở những kết quả trong thời gian vừa qua, để thúc đẩy công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số trong thời gian tới, cần rút ra những bài học kinh nghiệm sau.
Theo đó, cần thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương. Nêu cao quan điểm cải cách TTHC gắn kết với chuyển đổi số, cải cách dẫn dắt, ứng dụng CNTT là công cụ.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước và quốc tế, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng công tác cải cách TTHC các cấp.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá chính xác kết quả, hiệu quả công tác triển khai để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời. Quan tâm chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách TTHC để đảm bảo công tác cải cách TTHC và ứng dụng CNTT được thực hiện thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong thời gian tới, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, các bộ, ngành, địa phương tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với chuyển đổi số quốc gia.
Cùng với đó, tập trung triển khai thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước.
Đồng thời, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Tập trung ưu tiên triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án 06, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế là "điểm nghẽn" làm chậm tiến độ triển khai Đề án. Tiếp tục tăng cường xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử, triển khai báo cáo điện tử và khai thác, phát huy hiệu quả các công cụ kỹ thuật số phục vụ chỉ đạo điều hành, giám sát thực thi.
Bố trí bảo đảm nguồn lực triển khai; khẩn trương hoàn thiện các hệ thống, hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu triển khai và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành và giải quyết TTHC, dịch vụ công.
Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến về công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hà Văn