Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 23/6, trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Phu nhân tới Việt Nam, tại Phủ Chủ tịch, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam và Hàn Quốc đã ký các thỏa thuận hợp tác. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik ký và trao Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS).
Nội dung Chương trình EPS được ký lần này về cơ bản tương tự các bản MOU đã ký trước đây, trong đó đề cập trách nhiệm của cơ quan phái cử và tiếp nhận, những chi phí phái cử, quy trình tuyển chọn, giới thiệu và ký hợp đồng với các ứng viên. Bản ghi nhớ cũng quy định các công tác chuẩn bị trước khi đi, hỗ trợ quá trình phái cử và tiếp nhận lao động; các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng lao động hết hạn hợp đồng nhưng không tự nguyện về nước.
Bản ghi nhớ đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan liên quan của cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc trong việc thực hiện Chương trình EPS. Bản Ghi nhớ có hiệu lực 2 năm kể từ ngày ký và vẫn có hiệu lực trong thời gian đàm phán gia hạn mới.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik.
Trao đổi về Chương trình EPS được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc phối hợp triển khai từ năm 2004, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá: Chương trình được triển khai thực hiện một cách công bằng, khách quan, minh bạch và hiệu quả, mang lại nhiều việc làm có thu nhập cao cho người lao động Việt Nam, cũng như góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất phía Hàn Quốc mở rộng một số ngành nghề lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam trong thời gian tới.
"Hiện nay, Chương trình EPS mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu công việc. Trong khi đó, nhiều quốc gia đặt vấn đề với Bộ về việc điều chỉnh hạn ngạch đưa lao động Việt Nam sang các quốc gia đó, nhưng quan điểm của Bộ là chọn những thị trường phù hợp, có sự gắn kết giữa hai quốc gia và quốc gia đó phải thực sự quan tâm đến lợi ích của người lao động. Do đó, tôi rất mong thời gian tới Hàn Quốc sẽ mở rộng thêm ngành nghề tiếp nhận để tăng cơ hội cho lao động Việt Nam sang làm việc" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.
Đánh giá về Chương trình EPS, Bộ trưởng Lee Jung Sik cho rằng đây là một chương trình khá đặc biệt và đạt kết quả rất tốt trong thời gian vừa qua. Một số lao động Việt Nam sau khi hồi hương đã khởi nghiệp thành công và có cuộc sống tốt đẹp. Một số khác trở thành sứ giả quảng bá cho Chương trình EPS với những lợi ích mà Chương trình mang lại trong việc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm.
Bộ trưởng Lee Jung Sik hy vọng sắp tới, khi ký lại bản MOU, hai bên sẽ bước sang một giai đoạn mới tiến xa hơn, sâu hơn về Chương trình EPS.
Liên quan đến đề xuất của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tăng chỉ tiêu lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS, Bộ trưởng Lee Jung Sik khẳng định sẽ báo cáo với Chính phủ Hàn Quốc và mong đề xuất này sẽ sớm được thực hiện trong thời gian tới.
Sau 30 năm hợp tác về lao động, Hàn Quốc đã trở thành một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã không ngừng mở rộng các hoạt động hợp tác toàn diện trong lĩnh vực lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp trong những năm qua.
Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức bắt đầu từ năm 1993 thông qua chương trình hợp tác cung ứng và sử dụng lao động. Những năm gần đây, do già hóa dân số, Hàn Quốc ngày càng thiếu hụt nhân lực nhất là trong các ngành công nghiệp sản xuất chế tạo, đóng tàu, công nghệ thông tin, nông nghiệp chăn nuôi, thu hoạch rau quả, thủy sản đánh bắt cá, du lịch, dịch vụ bán lẻ, điều dưỡng, giúp việc nhà.
Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực điều chỉnh chính sách để thu hút nhiều nhân lực nước ngoài như tăng hạn ngạch theo Chương trình EPS, kéo dài thời gian làm việc đối với lao động nông nghiệp thời vụ, mở rộng tiếp nhận nhân lực trong ngành đóng tàu với các điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động.
Đối với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường có thu nhập cao, gần gũi về văn hóa nên thu hút nhiều lao động lựa chọn sang làm việc. Tính đến 1/6/2023, có 48.950 lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này (tăng 9.300 người so với cùng kỳ năm 2022). Thu nhập bình quân của người lao động từ 1.500 - 2.000 USD/tháng. Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Việt Nam, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã nhiều lần ký Thỏa thuận hợp tác vào các năm 2004, 2009, 2013, 2019 và 2021. Hai Bộ đã thiết lập quan hệ đối tác trung, dài hạn và tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác toàn diện trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Năm 2003, Quốc hội Hàn Quốc phê duyệt Luật Cấp phép cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS), có hiệu lực từ ngày 1/8/2004, mở ra cơ hội cho nhiều lao động Việt Nam có trình độ sang làm việc tại Hàn Quốc.
Với sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa hai Bộ, Chương trình EPS đã được triển khai thực hiện một cách hiệu quả, công bằng, khách quan, minh bạch mang lại nhiều việc làm có thu nhập cao cho người lao động Việt Nam cũng như đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia và góp phần nâng mối quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc.
Từ đầu năm đến ngày 19/6/2023, Việt Nam đã phái cử hơn 5.423 lao động sang Hàn Quốc và dự kiến cả năm 2023 phấn đấu đạt mục tiêu 10.000 lao động xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Hiện, trên 33.500 người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Đặc biệt trong năm 2023, hai bên đã phối hợp tổ chức kỳ thi tiếng Hàn cho 23.381 lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc - đây là kỳ thi có số lượng đăng ký lớn nhất trong 10 năm trở lại đây, trong đó có 19.201 lao động đăng ký trong ngành sản xuất chế tạo; 2.557 lao động đăng ký ngành ngư nghiệp; 1.281 lao động đăng ký ngành nông nghiệp, 342 lao động đăng ký ngành xây dựng.
Hai bên cũng đang phối hợp với các trường dạy nghề tiến hành tuyển chọn 300 lao động có tay nghề hàn, đây là dự án thí điểm được triển khai trong các năm 2018, 2020, 2022. Năm nay, theo đề nghị của Việt Nam, phía Hàn Quốc cấp chỉ tiêu gấp 5 lần so với năm 2022.
Thu Cúc