Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tăng cường điều trị và quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế xã, phường. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Theo Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tỷ lệ phần trăm trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm đến năm 2025 phải đạt 95% và đạt 100% vào năm 2030. Ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đây là nhiệm vụ quan trọng mà cả hệ thống chính trị và ngành y tế cần thực hiện.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quyết định về Chiến lược quốc gia phòng chống một số bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025. Bộ Y tế cũng đã ban hành các phác đồ, hướng dẫn quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn chưa xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể, một số tỉnh còn có tâm lý chờ đợi kinh phí, hỗ trợ của Trung ương.
Tại Lễ khai giảng, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, bệnh không lây nhiễm và chăm sóc sức khỏe ban đầu tuy là 2 vấn đề nhưng thực chất là một vấn đề. Việc quản lý tốt hơn bệnh không lây nhiễm chỉ có thể thực hiện khi chúng ta tăng cường năng lực cho các đơn vị chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Bên cạnh đó, thông qua nâng cao năng lực quản lý các bệnh không lây nhiễm ở các trạm y tế xã, phường, chúng ta có thể tăng cường năng lực chung cho các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tăng huyết áp và đái tháo đường là 2 yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh tim mạch và cũng là những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất ở Việt Nam và toàn cầu.
Tuy nhiên, tăng huyết áp và đái tháo đường có thể được chẩn đoán và quản lý dễ dàng ở tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp ngăn chặn những biến chứng nghiêm trọng và tử vong sớm của bệnh tim mạch.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng, hầu hết các học viên đều biết thế nào là bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp, tuy nhiên các học viên cần thống nhất cách làm, cách thực hiện để hỗ trợ các Trạm y tế một cách hiệu quả nhất.
Tại Việt Nam, theo báo cáo kết quả điều tra các yếu tố nguy cơ của một số bệnh không lây nhiễm năm 2015, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp là 18,9%, tỷ lệ có rối loạn đường huyết lúc đói là 3,6% và tỷ lệ đái tháo đường là 4,1%.
Trong đó, con số đáng lo ngại là tỷ lệ người được phát hiện, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường còn rất thấp. Trong số người tăng huyết áp, chỉ có 43,1% từng được chẩn đoán bởi bác sĩ trước đó (tương đương với 56,9% chưa được phát hiện). Tỷ lệ tăng huyết áp được quản lý tại cơ sở y tế chỉ có 13,6%. Đối với đái tháo đường, chỉ có 31,1% từng được chẩn đoán bởi bác sĩ trước đó (tương đương với 68,9% chưa được phát hiện), tỷ lệ được quản lý tại cơ sở y tế là 28,9%.
Tại khóa học này, các giảng viên sẽ tập trung hướng dẫn các nội dung như: Phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, cách thức quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường, đánh giá nguy cơ tim mạch; hướng dẫn thực hành và thảo luận các ca lâm sàng cụ thể; dinh dưỡng và hoạt động thể lực trong quản lý điều trị THA và ĐTĐ…