Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 14/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với Đại sứ quán Australia Việt Nam tổ chức hội thảo "Hội nghị kỹ thuật ngành bò thịt của Việt Nam – Australia".
Các tham luận tại hội thảo tập trung đánh giá toàn diện về thị trường và thương mại đối với sản phẩm chăn nuôi trong đó có ngành bò thịt; lai tạo và cải tiến nguồn gen bò thịt; hiện đại hóa hệ thống chế biến thịt bò khép kín để gia tăng giá trị và giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi bò thịt.
Một số ý kiến cho rằng, mặc dù có nhiều chính sách được ban hành kịp thời có tác động tích cực đến phát triển chăn nuôi nói chung và giống vật nuôi nói riêng nhưng vẫn chưa có chính sách đặc thù, đủ lớn và đủ tầm để tạo động lực đột phá trong phát triển chăn nuôi bò thịt của Việt Nam.
Việt Nam hiện trở thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về số lượng đầu con và đứng thứ 6 về sản lượng thịt lợn. Tuy nhiên, đối với tiểu ngành chăn nuôi bò thịt Việt Nam, dù đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, hoạt động sản xuất đã phát triển theo hướng trang trại, tập trung, chuyên nghiệp hơn nhưng trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng cả nước mới đạt 373 nghìn tấn. Tính bình quân cả năm, lượng thịt bò mới chỉ đáp ứng được khoảng 45-50% nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại phải nhập khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, những năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam đóng góp khoảng 25% vào GDP của ngành nông nghiệp, giúp nông dân gia tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn. Mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm ngày càng được cải thiện, mức tiêu thụ thịt các loại của người tiêu dùng Việt Nam cũng tăng lên đáng kể đặc biệt là xu hướng tiêu dùng thịt bò. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội phát triển ngành chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn, trong có ngành nông nghiệp.
Về phần mình, ông Andrew Goledzinowski Đại sứ Australia tại Việt Nam chia sẻ: "Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn về du lịch trên thế giới. Tăng cường hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi giữa Australia và Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích về thương mại mà còn tăng cường an ninh lương thực, thực phẩm của Việt Nam nói riêng, toàn cầu nói chung trong bối cảnh xuất hiện những yếu tố bất định".
Đỗ Hương