Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh và Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet ký Ý định thư giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Giao thông Pháp về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực GTVT - Ảnh: Báo Xây dựng
Thực hiện Nghị quyết số 153/NQ-CP năm 2025 của Chính phủ và Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch hành động nhằm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước trong quá trình hội nhập của ngành.
Kế hoạch yêu cầu cụ thể hóa và triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, bám sát mục tiêu phát triển ngành và định hướng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một số trọng tâm được Bộ Xây dựng chỉ đạo gồm: Tăng cường lãnh đạo của Đảng, đổi mới tư duy và hành động trong hội nhập quốc tế; tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung Nghị quyết 59 và 153, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Đẩy mạnh truyền thông đối ngoại, tuyên truyền hiệu quả về hoạt động đối ngoại của ngành, vai trò và đóng góp của hội nhập quốc tế đối với sự phát triển ngành Xây dựng - GTVT.
Tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả chia sẻ thông tin giữa Bộ Xây dựng với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan để kịp thời nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình quốc tế và đưa ra phản ứng chính sách phù hợp.
Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại và ngoại giao số, triển khai hiệu quả Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị, phát triển nền tảng số phục vụ công tác hội nhập.
Thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chuyển đổi số và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, rà soát, cập nhật các chiến lược, chương trình hành động bảo đảm đồng bộ với Nghị quyết 59, bổ sung giải pháp mới đáp ứng yêu cầu phát triển đến 2030, tầm nhìn 2045.
Thực hiện nghiêm các cam kết quốc tế, nghiên cứu, tham gia ký kết và gia nhập các điều ước, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường huy động nguồn lực quốc tế, chủ động vận động và kết nối các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ, đối tác chiến lược nhằm phát triển hạ tầng GTVT, xây dựng và đô thị theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ Xây dựng xác định một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Về hội nhập chính trị, quốc phòng, an ninh, Bộ yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với các bộ, ngành tham gia xây dựng, định hình các cấu trúc kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu; tích cực đóng góp vào các khuôn khổ hợp tác như WTO, ASEAN, APEC, ASEM, tiểu vùng Mekong, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững liên quan đến xây dựng và giao thông vận tải.
Về hội nhập khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ tiếp tục triển khai các nghị quyết của Trung ương và Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. Tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới ngành xây dựng và giao thông phát thải thấp, sử dụng năng lượng bền vững.
Về năng lực thực thi cam kết quốc tế, Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực xây dựng và GTVT, đảm bảo đồng bộ, minh bạch, hiệu quả; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi các cam kết quốc tế đã ký kết, nhằm duy trì môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và ổn định.
PT