Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam phân công lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam làm Tổ trưởng có nhiệm vụ thực hiện việc kiểm tra, rà soát hoạt động của các đơn vị kiểm định xe cơ giới trên phạm vi toàn quốc gồm: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các đơn vị đăng kiểm; kiểm tra, rà soát điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo quy định của pháp luật.
Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế và đề xuất bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thể chế, quy định để kịp thời khắc phục sở hở, bất cập nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; nhận diện từng khâu, từng vị trí công tác tiềm ẩn, dễ phát sinh tiêu cực để đề xuất xây dựng, thực hiện các giải pháp, biện pháp cụ thể phòng ngừa, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ mời đại diện Thanh tra Bộ GTVT và đại điện Sở Giao thông vận tải tại địa phương tham gia khi kiểm tra, rà soát tại các đơn vị đăng kiểm.
Tổ công tác sẽ xem xét xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới theo quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và các quy định pháp luật liên quan, trường hợp vượt thẩm quyền thì ghi nhận và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Báo cáo khi kết thúc đợt kiểm tra, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới.
Nội dung kiểm tra, rà soát bao gồm: Kiểm tra, rà soát hồ sơ về điều kiện hoạt động của đơn vị đăng kiểm; điều kiện, tiêu chuẩn của người phụ trách dây chuyền kiểm định, đăng kiểm viên bậc cao, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ.
Kiểm tra, rà soát trang thiết bị kiểm tra và việc thực hiện kiểm định xe cơ giới của các đơn vị kiểm định, đặc biệt là các loại xe tải, xe khách; kiểm tra, rà soát hoạt động quản lý, sử dụng, lưu trữ dữ liệu kiểm định xe cơ giới; kiểm tra, rà soát công tác thu, nộp, quản lý, sử dụng phí bảo trì đường bộ; kiểm tra, rà soát công tác quản lý, sử dụng phôi (ấn chỉ) được cấp phát; các nội dung khác thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Thời gian kiểm tra từ 01/01/2023 đến 31/12/2023.
Cũng trong ngày 08/12, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ban hành văn bản số 4883/ĐKVN-TCCB gửi các đơn vị trực thuộc về đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Cục Đăng kiểm Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này tại các đơn vị đăng kiểm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới.
Thực hiện văn bản số 13072/BGTVT-TTr ngày 07/12/2022 của Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện ngay một số nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, kịp thời ngăn chặn, xử lý các tồn tại, hạn chế, vi phạm, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng; các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận, văn bản chỉ đạo của Trung ương và Bộ Giao thông vận tải về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Khẩn trương tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết, Đề án phòng chống tham nhũng, tiêu cực; các chi bộ trực thuộc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị mình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT và của Cục Đăng kiểm Việt Nam; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Trong đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và có cơ chế kiểm soát lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tránh việc đùn đẩy, né tránh, không rõ trách nhiệm trong tiếp nhận, tham mưu, chỉ đạo, giải quyết công việc;
Người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp lãnh đạo, chịu trách nhiệm về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời kiện toàn, điều chỉnh, bổ sung tổ chức, nhân sự đầu mối tham mưu giúp việc về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị; thường xuyên nắm bắt tình hình, tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, công chức, viên chức và người lao động để có giải pháp tháo gỡ, đề xuất giải quyết kịp thời;
Tổ chức tự kiểm tra, rà soát để phát hiện các sơ hở, tồn tại, bất cập trong quy định nội bộ, thể chế để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị mình.
LS