• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tăng cường liên kết, phát triển vùng ĐBSCL

(Chinhphu.vn) – Tăng cường liên kết vùng một cách chặt chẽ chính là giải pháp căn bản nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long một cách nhanh và bền vững.

09/03/2012 17:27

Hội nghị triển khai các chương trình, nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. - Ảnh: Chinhphu.vn

Đây là nhận định của các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai các chương trình, nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Hội nghị diễn ra ngày 9/3 tại Kiên Giang dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.

Trong phát biểu đề dẫn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò “nhạc trưởng”, điều phối hoạt động liên kết vùng của Ban Chỉ đạo với cách làm, quy chế khoa học, rõ ràng.

Trong phần lớn thời gian của Hội nghị, lãnh đạo các địa phương, các Bộ, ngành tập trung thảo luận về chủ đề tăng cường liên kết vùng nhằm thực hiện những mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm  bảo quốc phòng, an ninh của từng địa phương và của cả vùng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang nêu 3 lĩnh vực chỉ có thể được giải quyết tốt nhờ tăng cường liên kết vùng, đó là xây dựng đê biển để ứng phó với nước biển dâng tại các tỉnh ven biển phía Tây, việc mở rộng và nâng cao giá trị của xuất khẩu thủy sản và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn vùng.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân kiến nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ là đầu mối lựa chọn những vấn đề trọng điểm mà các địa phương cùng hưởng lợi để tập trung đầu tư, thay vì mỗi địa phương đề xuất từng công trình cụ thể. Theo đó, vốn ngân sách địa phương để giải quyết những vấn đề bức xúc của địa phương, vốn ngân sách trung ương để thực hiện những chương trình mục tiêu, thúc đẩy liên kết vùng.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng kiến nghị nhà nước có chiến lược dài hạn về xuất khẩu lương thực, cá tra, cá ba sa; hỗ trợ các địa phương- đặc biệt là những tỉnh khó khăn- nguồn vốn đối ứng để có thể thực hiện được các dự án ODA và FDI.

Cùng hướng tiếp cận trên, ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho rằng mạng lưới giao thông nối các địa phương trong vùng với nhau còn nhiều hạn chế, và hạn chế này chỉ có thể được khắc phục khi nhà nước đầu tư một cách đồng bộ.

Dẫn thực tế cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long tuy là vùng xuất khẩu lớn, nhưng lại không được đầu tư xây dựng một cảng biển nào đủ năng lực, do vậy mỗi kg hàng hóa xuất khẩu từ Cà Mau phải “cõng” thêm trung bình 1 USD và hàng chục giờ để vận chuyển lên cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Dương Thanh Bình cho rằng với việc nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông, mục tiêu liên kết vùng cũng sẽ có thể được thực hiện một cách thực chất hơn.

Ông Trần Thanh Mẫn- Bí Thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng liên kết vùng là bắt buộc để thúc đẩy phát triển toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng liên kết phải thực chất, tránh hình thức, xuất phát từ nhận thức và quyết tâm hướng tới mục tiêu chung của mỗi địa phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng trước mắt Ban chỉ đạo có thể lựa chọn một số nhiệm vụ ưu tiên, được nhiều địa phương quan tâm để xây dựng thành chương trình hành động, từ đó tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng nêu đề xuất hình thành quỹ phát triển hạ tầng giao thông khu vực và hình thành thị trường giao dịch xuất khẩu cá chung của cả vùng.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Vai trò chỉ huy, điều phối chung là rất quan trọng trong liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long. - Ảnh: Chinhphu.vn

Nghiên cứu những nội dung liên kết bắt buộc

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng những mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2011, toàn vùng đã đạt những kết quả toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.

Đồng tình cao với những chỉ tiêu cụ thể của từng địa phương và toàn vùng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu từng bộ, từng ngành tăng cường phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, với các địa phương để thực hiện được những mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ đã đề ra.

Về vấn đề tăng cường liên kết vùng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng trong 3 nội dung: liên kết tự nguyện giữa các địa phương, liên kết bắt buộc và liên kết từ chủ trương, chính sách, thì vai trò chỉ huy, điều phối chung là rất quan trọng.

“Cần có quy chế cụ thể, phân biệt rõ cái gì là bắt buộc liên kết, cái gì là khuyến khích tự liên kết, ai là người chỉ huy,  ai là người phân phối, điều hòa lợi ích giữa các địa phương trong vùng”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu, kiến nghị với Chính phủ những nội dung cần bắt buộc liên kết, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ nghiên cứu để giao cho từng bộ, ngành xây dựng kế hoạch cụ thể.

Trước mắt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tiếp tục thực hiện tốt việc điều phối, kết nối các địa phương trong vùng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh đã đề ra.

Tăng trưởng ổn định, an ninh chính trị được tăng cường

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tìm và giải quyết những công việc đột xuất cũng như các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.

Toàn vùng đã vượt qua khó khăn, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Lĩnh vực kinh tế trọng yếu nhất là nông nghiệp phát triển toàn diện trên cả 3 mặt: sản lượng, chất lượng và giá trị gia tăng. Thương mại, dịch vụ và xuất khẩu tăng khá, nhập khẩu giảm nhanh.

Về kinh tế, tốc độ tăng GDP toàn vùng ước đạt 12,12% so với cùng kỳ, đạt 484.897 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người cả khu vực ước đạt trên 26,5 triệu đồng/người, tăng hơn 6 triệu đồng so với năm 2010.

Sản lượng lúa toàn vùng ước đạt 22,76 triệu tấn, là mức cao nhất từ trước tới nay. Trong chăn nuôi, xu hướng phát triển trang trại, quy mô công nghiệp gắn liền với chế biến và tiêu thụ khép kín đang được mở rộng. Sản lượng thủy sàn ước đạt 3,07 triệu tấn, trong đó nuôi trồng đạt 2,1 triệu tấn.

Sản xuất công nghiệp đạt 139.974 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Việc các công trình, cụm công trình công nghiệp như Khí – Điện – Đạm Cà Mau, điện gió (Bạc Liêu) được đẩy nhanh tiến độ, đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 9 tỷ USD, xuất siêu khoảng 5 tỷ USD.

Về công tác xóa đói giảm nghèo, số hộ nghèo trong toàn vùng đã giảm 3,34% so với năm 2010. Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo được triển khai, nhân rộng. Hoạt động an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. An ninh chính trị trong vùng được tăng cường và giữ vững ổn định.

Trong năm 2012 và những năm tiếp theo, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ kết hợp chặt chẽ với các địa phương, các bộ, ngành Trung ương xác định đúng thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương để đầu tư và xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào các trọng điểm liên kết vùng.

Cùng với đó, định hình, định lượng rõ mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chặt chẽ, tạo ra giá trị gia tăng cao, bền vững; xác định cơ chế quản lý đồng bộ, kịp thời bình ổn giá lương thực, bảo đảm nông dân trồng lúa có lãi 30% trở lên.

Đồng thời, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả thương hiệu sản phẩm chủ lực và sức cạnh tranh của từng tỉnh, thành.

Xuân Tuyến