• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tăng cường năng lực cho Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến

(Chinhphu.vn) - Trong năm 2024, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam tập trung xây dựng Đề án về phát triển Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, thế giới.

22/12/2023 15:11
Tăng cường năng lực cho Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến- Ảnh 1.

GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 22/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.

GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN cho biết, năm 2023, Viện Hàn lâm KHCN đã thực hiện tốt các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.

Trong đó, nghiên cứu cơ bản là chức năng, nhiệm vụ quan trọng nhất của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam. Năm 2023, Viện Hàn lâm KHCN tiếp tục duy trì thành tích cao về số lượng và đặc biệt là có sự tăng trưởng về chất lượng các công trình công bố của Viện.

Trong bối cảnh lực lượng cán bộ nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHCN giảm theo kế hoạch và chỉ tiêu tinh giản biên chế của Chính phủ, các nhà khoa học của Viện đã công bố hơn 2.200 công trình trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước, trong đó gần 80% là các công trình công bố quốc tế.

Chất lượng công trình công bố cũng tiếp tục được duy trì ở mức cao, số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế chất lượng cao đạt 79% tổng số công trình công bố quốc tế. Viện Hàn lâm KHCN tiếp tục duy trì được tỉ lệ công trình công bố quốc tế là 1,9 công trình/tiến sĩ/năm.

Bên cạnh đó, điều tra cơ bản là hoạt động mang tính liên ngành, lâu dài và luôn là một trong những thế mạnh của Viện Hàn lâm KHCN. Hệ thống quan trắc với hàng trăm đài trạm tiếp tục được duy trì ổn định. Các số liệu quan trắc thông qua hệ thống đài trạm kết hợp với các dữ liệu điều tra, khảo sát thực địa về các yếu tố môi trường, vật lý, hóa học, địa chấn, đa dạng sinh học,... trên đất liền và trên biển đã tạo nên bộ dữ liệu nền quan trọng, làm cơ sở cho công tác tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cung cấp các luận chứng khoa học phục vụ công tác quy hoạch, khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ được các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KHCN tích cực triển khai. Năm 2023, số lượng bằng sở hữu trí tuệ của Viện Hàn lâm KHCN có sự tăng trưởng mạnh. Viện đã được cấp 76 bằng độc quyền phát minh sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích, tăng hơn 40% so với năm 2022, trong đó có 3 bằng độc quyền sáng chế quốc tế.

Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KHCN đã chủ động tham gia nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng, các dự án sản xuất thử nghiệm, đề tài hợp tác địa phương. Các kết quả nghiên cứu đều có tính ứng dụng thiết thực và được chuyển giao cho địa phương, cơ sở sản xuất, điển hình như: Công nghệ sơn chống cháy của Viện Khoa học vật liệu, công nghệ sơn phản xạ nhiệt của Viện Kỹ thuật nhiệt đới, hay ứng dụng công nghệ sinh học lai tạo thành công đàn cá nemo có giá trị cao trong ngành sinh vật cảnh trong nước và xuất khẩu, lai tạo bê lai F1 và tạo ra các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân...

Trong công tác đào tạo đại học, sau đại học, chất lượng công tác đào tạo của Viện Hàn lâm KHCN tiếp tục được duy trì và nâng cao. Đặc biệt, trường Đại học Khoa học và công nghệ Hà nội (USTH) đã được Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) chứng nhận đạt chuẩn kiểm định Châu Âu, văn bằng và các tín chỉ của Trường được công nhận tương đương với các trường đại học Pháp và châu Âu.

Các hoạt động KHCN khác trong năm 2023 cũng đạt kết quả tốt như vận hành hoạt động ổn định và hiệu quả hệ thống VNREDSat-1 trên quỹ đạo, cung cấp ảnh viễn thám góp phần tích cực vào các hoạt động nghiên cứu KHCN vũ trụ, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; hoạt động của mạng lưới trạm quan sát động đất phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần năm 2023 đã ghi nhận được 343 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2.5 đến 5.4 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam; Trung tâm Giám định ADN tiếp tục tham gia thực hiện tốt Đề án 515 quy tập và định danh hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin….

Trong năm 2024, GS.VS Châu Văn Minh cho biết, Viện Hàn lâm KHCN sẽ tập trung xây dựng các đề án quan trọng do Trung ương, Bộ Chính trị và Chính phủ giao.

Cụ thể như: Đề án về phát triển Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, thế giới, hoàn thành trong năm 2024 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Đề án nghiên cứu các khoa học cơ bản và phát triển công nghệ nền tảng của công nghệ sinh học đặc thù cho Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2024; Đề án Tăng cường năng lực Quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao bằng công nghệ cảm biến quang học, ra-đa, kết hợp với thiết bị bay không người lái...

Ngoài ra tiếp tục triển khai thực hiện tốt các dự án lớn, các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao như: Dự án Vệ tinh quan sát Trái đất, dự án Trường Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội...; đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu cơ bản, chú trọng nâng cao chất lượng các công bố quốc tế đạt chuẩn quốc tế; tiếp tục triển khai tốt Chương trình thu hút nhà khoa học và cán bộ trẻ trình độ cao, Chương trình Nhóm nghiên cứu xuất sắc và các chương trình khoa học công nghệ khác...

Tăng cường năng lực cho Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến- Ảnh 2.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Phối hợp đánh giá các hiện tượng thiên nhiên dị thường, xu hướng mới trong KHCN

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chúc mừng những kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, những nỗ lực, vượt qua khó khăn của Viện Hàn lâm KHCN.

Đồng thời đánh giá cao sự tham gia tích cực của các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KHCN vào hầu hết các chương trình KHCN cấp quốc gia. Ngoài các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cơ bản, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam còn là địa chỉ tham mưu, tư vấn tin cậy của Chính phủ như việc phối hợp với Bộ KH&CN trong việc đánh giá các hiện tượng tai biến thiên nhiên hoặc xu hướng mới trong KHCN.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò dẫn đầu về nghiên cứu khoa học cơ bản, thế mạnh của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam trong nghiên cứu khoa học biển; phát huy hoạt động của 2 trung tâm Toán học và Vật lý được UNESCO công nhận đối với khu vực ASEAN và quốc tế…

Đặc biệt, tiếp tục phối hợp với Bộ KH&CN triển khai thành công Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, trong đó, cần quyết tâm thực hiện thành công nội dung: Xây dựng đề án tăng cường năng lực cho Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu KHCN.

Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm KHCN và Bộ KH&CN thường xuyên phối hợp xây dựng các báo cáo đối với vấn đề cơ chế chính sách, những vấn đề quan trọng, cấp bách về KHCN cho Đảng và Nhà nước, tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp để xử lý gấp các hiện tượng bất thường (động đất, sạt lở, ô nhiễm môi trường…).

Hoàng Giang