Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sẽ tăng cường năng lực giám sát sử dụng ngân sách nhà nước cho các cơ quan dân cử - Ảnh minh họa |
Tại lễ khởi động Dự án diễn ra hôm nay (21/8), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, PGS.TS Đinh Văn Nhã, Giám đốc Dự án cho biết, một trong những nội dung quan trọng của Dự án là nghiên cứu mở rộng hình thức chất vấn, điều trần, tăng cường trách nhiệm giải trình, tính công khai minh bạch tài khóa với sự tham gia rộng rãi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào quy trình ra quyết định về các vấn đề kinh tế-ngân sách.
Dự án sẽ tạo cơ hội phát triển kỹ năng phân tích, đánh giá và giám sát hệ thống chính sách kinh tế- tài chính, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan dân cử trong hệ thống các cơ quan Nhà nước, nhất là sự tham gia có hiệu quả của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong quá trình thẩm tra, quyết định và giám sát ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách là một trong những nỗ lực cải cách tài chính công của Việt Nam. Nội dung cơ bản của cải cách quản lý tài chính công là phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, mở rộng phân cấp ngân sách; tăng cường tính công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý, điều hành ngân sách. Đó cũng là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, nhằm từng bước xây dựng một nền tài chính công hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Quốc gia của UNDP (Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc) tại Việt Nam, đơn vị tài trợ cho Dự án 5 triệu USD, cũng cho rằng Dự án sẽ tăng cường hơn nữa năng lực cho các Uỷ ban của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thực hiện chức năng giám sát hiệu quả lĩnh vực tài chính công trong thời gian tới.
Hiện công tác quyết định và giám sát ngân sách đang rất được quan tâm trong bối cảnh các khoản ngân sách lớn, trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng, đang được sử dụng để kích thích kinh tế. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã và đang chủ trì phối hợp với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất, sẽ trình báo cáo tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII. Theo PGS.TS Đinh Văn Nhã, cần tiếp tục rà soát gói kích cầu, thực hiện chất vấn thường xuyên ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động triển khai chính sách kích cầu.
Đức Tuân