Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
5 nội dung phối hợp
Phát biểu trình bày dự thảo chương trình phối hợp, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ 5 nội dung trọng tâm trong giai đoạn 2025-2030. Đó là: Tham mưu xây dựng các đề án lớn trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tổ chức tổng kết, sơ kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong lĩnh vực giáo dục; Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát triển khai các nhiệm vụ mới, khó của ngành; Rà soát chính sách, pháp luật, xử lý các bất cập nổi cộm trong giáo dục - đào tạo - dạy nghề; Nắm bắt dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc trong học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, chương trình phối hợp lần này không chỉ hướng tới hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, mà còn có vai trò thiết lập cơ chế phối hợp bài bản giữa Trung ương và ngành Giáo dục trong giai đoạn chuyển mình phát triển, góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam chất lượng, hiện đại, nhân văn và hội nhập.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh vai trò của ngành Giáo dục trong phát triển nhân tài cho các lĩnh vực - Ảnh: VGP/Trần Hiệp
Phối hợp hiệu quả để lan tỏa chủ trương, thống nhất chiến lược phát triển giáo dục
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt của giáo dục - đào tạo trong tiến trình phát triển đất nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khẳng định: Trong giai đoạn phát triển mới với khát vọng lớn và tầm nhìn chiến lược, giáo dục tiếp tục là giải pháp chiến lược hàng đầu để thực hiện mục tiêu 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước.
Đồng thời cho rằng sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương với Bộ GD&ĐT cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu chiến lược, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, tận dụng không gian mạng để lan tỏa chủ trương, chính sách; song song với đó là đẩy mạnh giáo dục tư tưởng, truyền thống, xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong thế hệ trẻ.
Hai bên sẽ cùng nhau quán triệt, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, quyết sách lớn; tăng cường phối hợp để các chính sách giáo dục thực sự đi vào cuộc sống.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hi vọng Chương trình phối hợp 2025-2030 kỳ vọng sẽ tạo ra các đột phá trong giáo dục - đào tạo - Ảnh: VGP/Trần Hiệp
Chuyển biến mạnh mẽ từ công tác Đảng đến tổ chức thực hiện - vì một nền giáo dục đổi mới, hội nhập
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2021 - 2025 đã được triển khai hiệu quả, thường xuyên và đạt nhiều kết quả thiết thực. Công tác phối hợp giữa hai cơ quan bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; chia sẻ, trao đổi thông tin đầy đủ và kịp thời về tình hình thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các vấn đề nhân dân quan tâm về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mỗi cơ quan và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Lễ Ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2025-2030 giữa hai cơ quan - Ảnh: VGP/Trần Hiệp
Đặc biệt, hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW là một minh chứng điển hình cho sự phối hợp hiệu quả, làm cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91-KL/TW, tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của giáo dục trong phát triển đất nước.
Theo Bộ trưởng, hội nghị ký kết lần này là dịp quan trọng để hai cơ quan nhìn lại kết quả phối hợp thời gian qua, đồng thời thống nhất nguyên tắc, phương thức triển khai trong giai đoạn tới. Chương trình phối hợp 2025-2030 kỳ vọng sẽ tạo ra các đột phá trong giáo dục - đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực, công tác tư tưởng - lý luận, truyền thông chính sách và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Thu Trang