Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo dự thảo Đề án về tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại IMO của Cục Hàng hải Việt Nam, Việt Nam có lợi thế lớn cho chiến lược phát triển ngành kinh tế hàng hải, khai thác và tiêu thụ các sản phẩm đóng tàu, các dịch vụ từ cảng biển.
Việt Nam cũng tích cực tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và các hiệp định vận tải biển với các quốc gia trên thế giới, trong đó có IMO.
Cục Hàng hải Việt Nam nhận định, việc ký kết và thực hiện các điều ước của IMO sẽ giúp Việt Nam cải thiện hệ thống quản lý hàng hải và nâng cao chuẩn mực vận tải biển, cũng như mang lại cơ hội và gây dựng tiềm năng phát triển đội tàu biển quốc gia.
Ngoài ra, việc là thành viên của IMO mang đến nhiều cơ hội cho thúc đẩy thu hút đầu tư và giao thương quốc tế, tạo tiền đề phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia. Đồng thời, mang lại lợi ích về an ninh biển và bảo vệ môi trường cho Việt Nam, nâng cao vai trò và địa vị của quốc gia trong cộng đồng quốc tế.
Tăng cường hiện diện của Việt Nam tại IMO là cần thiết để quốc gia tham gia và ảnh hưởng trong việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hải quốc tế, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy phát triển bền vững và tạo cơ hội hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, Cục Hàng hải cũng thẳng thắn chỉ ra còn nhiều tồn tại khi Việt Nam tham gia IMO vì chính sách và luật pháp chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc tiếp nhận, triển khai các sửa đổi bổ sung công ước IMO còn chưa đi vào thực tế và chưa kịp thời. Việt Nam cũng chưa tận dụng đầy đủ những lợi ích mà hợp tác đa phương mang lại.
Bên cạnh đó, nhân sự làm công tác nghiên cứu các công ước IMO chưa có chuyên môn sâu và vẫn phải đảm đương các nhiệm vụ khác. Việt Nam cũng chưa có điều kiện tham gia thường xuyên, đầy đủ các phiên họp của IMO và mức độ tham gia, tranh thủ hợp tác tại các diễn đàn đa phương nói chung, IMO nói riêng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực còn khiêm tốn, không đồng đều.
Với những khó khăn còn tồn tại, dự thảo Đề án đã đề ra những lộ trình thực hiện để tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại IMO với nhiều giải pháp đồng bộ.
Cụ thể, tăng cường những đóng góp của Việt Nam tại IMO bằng những hành động cụ thể như: Nghiên cứu phương án đào tạo, cử cán bộ có chuyên môn trở thành đại diện của Việt Nam tại IMO; cử cán bộ trẻ tham dự Chương trình sĩ quan trẻ chuyên nghiệp (JPO) của IMO; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cập nhật các văn kiện, thông tri, các sửa đổi bổ sung mới của IMO và tiếp cận các chương trình hỗ trợ của các nước phát triển trong việc cử cán bộ tham gia chương trình đào tạo của IMO.
Cùng với đó, phải đổi mới cơ chế và cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện các quy định thể chế pháp luật, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp triển khai các công ước IMO và đệ trình Chính phủ phương án áp dụng các sửa đổi bổ sung công ước IMO về các bộ chuyên ngành. Công tác tuyên truyền, phổ biến cũng cần được đẩy mạnh.
Đối với giải pháp về tài chính, sử dụng tối đa nguồn thu hội phí IMO phục vụ việc nghiên cứu, triển khai các công ước IMO mà Việt Nam là thành viên, cũng như nghiên cứu cơ chế tài chính áp dụng cho các chuyên gia ngoài thuộc tổ công tác các công ước IMO.
Ngoài ra, ban hành chính sách quản lý về nguồn lao động hàng hải đặc biệt là đại diện Việt Nam tại IMO. Từ đó xây dựng cụ thể quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động và các chế tài thưởng phạt trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động.
Phan Trang