Tăng cường sự tham gia của y tế tư nhân trong hoạt động phòng chống lao tại Đồng Nai
Nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao, giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong do lao gây ra, góp phần xóa đói giảm nghèo và thực hiện chiến lược tăng trưởng toàn diện, ngăn ngừa sự phát triển của bệnh lao kháng thuốc, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai vừa có buổi làm việc nhằm góp ý xây dựng kế hoạch triển khai dự án “Tăng cường sự tham gia của y tế tư nhân trong hoạt động phòng chống lao tại 3 tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp và An Giang”.
Với sự tài trợ của Quỹ Phòng chống lao TB REACH, PSI Việt Nam (PSI) phối hợp với các Sở Y tế và các đối tác địa phương tại 3 tỉnh trên sử dụng phương pháp tiếp cận tiếp thị xã hội và nhượng quyền xã hội nhằm tăng cường sự đóng góp của y tế tư nhân cho dự án phòng chống lao quốc gia và cấp tỉnh.
Theo kế hoạch, đầu ra của dự án là chẩn đoán 1.500 trường hợp lao mới thông qua việc đào tạo và quảng bá dịch vụ cho ít nhất 90 cơ sở y tế tư nhân giúp họ đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật cho công tác sàng lọc, chẩn đoán và giới thiệu đến điều trị tại các cơ sở y tế công. Ngoài ra, mục tiêu của dự án còn nhằm thực hiện cải thiện khả năng thực hiện các dịch vụ chẩn đoán, sàng lọc và giới thiệu đến điều trị thông qua các cơ sở y tế tư nhân, dự án sẽ thiết kế và thực hiện các hoạt động truyền thông dựa trên bằng chứng để nâng cao nhận thức về nguy cơ nhiễm lao, các triệu chứng thường gặp và khuyến khích việc đi khám phát hiện sớm. Theo dự kiến, dự án sẽ được thực hiện từ tháng 1 đến tháng tháng 12 năm 2012.
Mục tiêu phía PSI đề xuất là tăng cường tiếp cận các dịch vụ sàng lọc và chẩn đoán bệnh lao thông qua nâng cao vai trò của y tế tư nhân trong phát hiện, chẩn đoán và giới thiệu đến cơ sở điều trị. Cung cấp thông tin khuyến khích sử dụng các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán và điều trị lao thích hợp bằng cách thiết kế và thực hiện các chiến dịch truyền thông dựa trên bằng chứng trên nhiều kênh khác nhau bao gồm các quy định cộng đồng. Trong điều trị lao, thành viên gia đình của bệnh nhân lao, người bán dâm, người có quan hệ đồng tính cao, tiêm chích ma túy, những người sống chung với HIV và các thầy thuốc, dược sĩ là những quần thể có nguy cơ cao nhiễm lao.
Các hoạt động của dự án dự kiến sẽ triển khai như: lựa chọn ít nhất 90 cơ sở y tế tư nhân có đủ các điều kiện phát hiện các trường hợp lao mới, dựa trên các tiêu chí thống Nhất với Sở Y tế và Chương trình Phòng chống lao quốc gia. Ví dụ như, đông khách hàng, khả năng tiếp cận khách hàng có nguy cơ mắc cao, khả năng đáp ứng các yêu cầu về dịch vụ, theo hướng dẫn quốc gia về sàng lọc, chẩn đoán và giới thiệu chuyển tuyến đến các cơ ở điều trị công. Đồng thời giám sát các cơ sở y tế tư nhân được đào tạo để đánh giá sự tuân thủ với các tiêu chuẩn về chuyên môn và yêu cầu của dự án đồng thời tiếp tục hỗ trợ và đào tạo để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Ngoài ra, theo tinh thần của kế hoạch dự án, việc thiết kế và triển khai các chiến dịch truyền thông cũng là điều cần thiết, qua đó nâng cao nhận thức về nguy cơ và các triệu chứng gợi ý lao, giải quyết các rào cản đối với việc tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ sàng lọc.
Tại buổi làm việc với các điều phối viên dự án, ông Bạch Thái Bình, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Y tế nhấn mạnh, để dự án được triển khai một cách hiệu quả, PIS khẩn trương các nội dung bản kế hoạch chi tiết. Ngoài ra, cần xem xét một số mục tiêu trong bản mô tả dự án, do thời gian thực hiện rút ngắn (khoảng 2/3 năm) nên có thể sẽ phải giảm các chỉ tiêu xuống cho phù hợp điều kiện thực tế.
Tại buổi làm việc, các đại biểu dự họp cũng đã thống nhất lựa chọn tại Đồng Nai 4 đơn vị để triển khai thực hiện dự án, bao gồm: thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom, thị xã Long Khánh, huyện Long Thành.
Diệu Linh